02/07/2014 14:51 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Những nghi vấn về việc World Cup có dàn xếp tỉ số sẽ là chủ đề của bàn tròn hôm nay, với khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu và nhà báo Phan Tất Đức.
FIFA đã thiên vị Brazil?
Phạm An: Hai ứng cử viên Đức và Pháp sẽ đá trận đầu tiên ở tứ kết, dù họ là những đội đá lượt áp chót vòng 1/8, anh chị nghĩ sao?
Đoàn Ngọc Thu: Hôm nay tôi nhìn lịch đấu tứ kết cũng rất ngạc nhiên. Khi mà các cặp đấu rất lạ lùng, Pháp và Đức sẽ đấu đầu tiên dù họ vừa đá xong vòng này.
Đúng thứ tự thì lẽ ra cặp Brazil, rồi đến cặp Hà Lan, sau đó là Đức và cuối cùng là Argentina.
Tất Đức: Chị Thu, cũng giống như vòng bảng Hà Lan bảng B bị đẩy lên đá trước ấy mà chị. Đó là “trò mèo” của Brazil và FIFA.
Phạm An: Vậy là World Cup năm nay đang bị bao phủ bởi sự ngờ vực. Cameroon vừa bị điều tra vì có nghi vấn dàn xếp tỉ số.
Hà Quang Minh: Quan điểm của tôi là "Đã xem thì không ngờ vực. Đã ngờ vực thì không xem".
Tất Đức: Nigeria, đội thua Pháp rạng sáng qua, trước khi vào giải đã bị cáo buộc dàn xếp tỉ số và 2 bàn thua của họ hôm qua đều không thể chấp nhận được. Thật ra chuyện những đội châu Phi bị nghi vấn không phải điều lạ.
Phạm An: Vậy là chúng ta nói về "thuyết âm mưu" hơi nhiều, nhưng nếu Nigeria có ý định "xấu" nào đó, thì thủ môn Enyeama có thể đã không chơi xuất sắc đến thế chứ, anh Tất Đức?
Tất Đức: Phạm An, những pha dứt điểm trước đó của Pháp đều tìm đến người Enyeama đấy chứ.
Ở hiệp một, anh này đẩy được một quả tương tự như tình huống bị Pogba ghi bàn, rồi may hậu vệ phá được. Ở tình huống mở tỉ số, thủ môn thường đấm bóng lên, nhưng Enyeama lại hất quả bóng vô duyên như thế. Còn bàn thua thứ 2 của Pháp thì đầu tiên Odemwingie tạo ra 1 quả phạt góc rất vô duyên. Rồi ở pha đá góc ấy, các cầu thủ Nigeria vào bóng rất hời hợt.
Nếu xem lại pha quay chậm có thể thấy trung vệ số 5 chống tay đứng nhìn trong vòng cấm, mặc kệ diễn biến. Lúc ấy tỉ số mới là 1-0 vẫn còn giờ, lẽ ra Nigeria vẫn còn hi vọng. Như Algeria dù bị Đức dẫn 2 bàn trong hiệp phụ nhưng vẫn chiến đấu ác liệt.
“Xem mà không tin thì xem HBO sướng hơn!”
Phạm An: Tôi vốn không phải là người thích thuyết âm mưu, nhưng theo cuốn sách viết về thế giới cá cược của nhà báo Declan Hill, thì phần lớn các trận đấu trên thế giới là đã được dàn xếp.
Ví dụ như trận Brazil - Ghana ở vòng 2 World Cup 2006. Trong đó có mô tả là các cầu thủ Ghana đã chơi như thể họ dành toàn bộ sức lực cho trận đấu này, nhưng sau những tình huống xuất thần là những sai lầm không thể hiểu nổi và Ghana thua 0-3. Theo Declan Hill, có 8 cầu thủ Ghana bị mua chuộc, và mỗi người hưởng 30 nghìn USD.
Hà Quang Minh: Tôi nghĩ đơn giản là bóng đá là công nghiệp giải trí. Đã là màn giải trí thì tất nhiên phải diễn. Hơn nữa, gắn với bóng đá lại là cờ bạc, cá độ. Mà đã cờ bạc thì tất có cờ gian bạc lận. Nó là chuyện thường tình. Thế nên tôi chấp nhận nó một cách bình thường, bình thường đến mức chẳng nghĩ nó tồn tại. Thế thì xem bóng đá cái tâm nó mới sướng. Chứ xem xong lắc đầu kêu "Đá như làm độ" thì xem làm gì nữa? Mở HBO xem phim sướng hơn.
Tất Đức: Anh Phạm An, tôi cũng đã đọc cuốn sách ấy. Chắc chắn chuyện mua độ là có thật, tất cả những người tham gia cá độ (ở cả VN và quốc tế) đều tin vào điều đó. Nhưng tôi nghĩ họ chỉ có thể mua độ với những trận đấu có sự tham gia của những đội bóng không phải ở đẳng cấp cao nhất (ví dụ những giải đấu nhỏ, hoặc những đội bóng nhỏ ở 1 giải đấu lớn). Còn với những ngôi sao kiểu như Ronaldo, Messi...thì không thể.
Châu Âu có hệ thống theo dõi dòng tiền bất thường đổ vào 1 trận đấu nào đó. Bình thường thì số tiền từ vài triệu USD trở lên đã có thể coi là bất thường, với số tiền như vậy thì không thể mua được các ngôi sao (tiền mua độ dĩ nhiên phải thấp hơn tiền lãi thu được từ đặt cược). Vì vậy mới có chuyện nghi vấn bán độ thường rơi vào các đội bóng Châu Phi, nơi nền bóng đá không chuyên nghiệp và cầu thủ thì không phải ai cũng giàu có, danh tiếng.
Đoàn Ngọc Thu: Tôi đồng ý. Nigeria hay Algeria có thể “bán độ”, chứ Pháp và Đức sẽ chiến đấu tới cùng.
“Vẫn nên tin ở hoa hồng”
Phạm An: Vâng, có lẽ chúng ta đã sống trong một nền bóng đá bị nghi ngờ quá nhiều năm ở vùng trũng và có thể nhìn đâu cũng thấy “vi trùng” rồi. Anh Tất Đức, anh nghĩ sao về chuyện một thủ môn ở Đức mùa trước sai lầm đến 3 lần ấu trĩ liên tiếp ở 1 trận tại Bundesliga?
Tất Đức: Anh chàng Oliver Baumann vẫn được trọng dụng và vừa giành được bản hợp đồng 4 năm để chuyển từ Freiburg sang Hoffenheim là đủ hiểu rồi Phạm An. Với người Đức họ coi những sai lầm ấy thuần là vấn đề con người thôi. Tôi nghĩ rằng họ có cơ chế giám sát và tin rằng cầu thủ có tinh thần chuyên nghiệp để không phải nghi ngờ.
Nhưng cũng chẳng thể chắc chắn được, ở Đức cũng từng xảy ra dàn xếp tỉ số đó thôi. Serie A cũng vậy. Như anh Hà Quang Minh đã nói bóng đá giờ cũng là ngành công nghiệp giải trí nên chuyện “diễn” cũng là có thể.
Giống như chuyện FIFA đang diễn đủ trò để có lợi nhất cho Brazil vậy, đấy cũng là 1 kiểu dàn xếp.
Phạm An: Vậy thì Thế giới cũng mang "hơi hướm V-League" nhỉ. Tôi cũng từng hỏi HLV Nguyễn Thành Vinh về chuyện trọng tài bắt sân nhà sân khách, thì ông có nói rằng chuyện thổi nương một chút cho chủ nhà là chuyện bình thường, và các đội bóng thậm chí chấp nhận điều đó. Chúng ta có thể coi nó như 1 thực tế phải chấp nhận không, anh Tất Đức? Chỉ có đừng quá như chuyện chia Huy chương ở SEA Games là được?
Hà Quang Minh: Thắng được trong thế tất cả chống lại mình mới hay chứ (cười).
Tất Đức: Tôi nghĩ là như vậy. Bóng đá cũng là 1 cuộc chơi, khi chơi thì phải chấp nhận thôi. Nếu vượt qua được bất lợi ấy để vô địch thì càng đáng nhớ, còn ngược lại thì có lẽ cũng do mình chưa đủ mạnh thôi. Tất nhiên là cái gì cũng phải có giới hạn. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ lịch thi đấu bất lợi thì còn chấp nhận được, còn thổi ép bằng cách đuổi người, tặng penalty... thì là chuyện khác.
Phạm An: Tóm lại, chuyện cá cược cũng là một thực tế không thể tránh khỏi, đúng không các anh chị, và sự nghi ngờ cũng là một phần của bóng đá? Cũng như câu chuyện người ta khẳng định rằng "không có mại dâm" ở một thành phố nổi tiếng về "công nghiệp đèn đỏ" là phi thực tế?
Đoàn Ngọc Thu: Tất nhiên, chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật.
Hà Quang Minh: À, tôi không nghi ngờ, tôi coi tất cả là một phần của cuộc chơi mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta là người thưởng thức. Thưởng thức cũng cần chuẩn bị tâm lý chứ, thì mới thưởng thức cho ra trò được.
Tất Đức: Nói chung là bất cứ cái gì đã bị thương mại hóa thì khó có thể trông chờ 1 sự sòng phẳng hoàn toàn lắm, kiểu gì người ta cũng phải tính toán yếu tố lợi nhuận, lợi ích. Bóng đá và cá độ là thứ song hành, khó có thể tách rời, khi mà đôi khi chính các nhà cái còn là tài trợ chính cho các đội bóng.
Nhưng khi chúng ta yêu bóng đá thì đành phải chấp nhận cuộc chơi của nó thôi, nhưng tôi vẫn tin rằng những trận đấu đỉnh cao thì sẽ không có chuyện dàn xếp kết quả được. Chúng ta cứ yên tâm mà thưởng thức. Đức hay Pháp đội nào xứng đáng hơn sẽ thắng thôi, chứ không phải đội nào dàn xếp được thì thắng.
Hà Quang Minh: Pháp thắng. Tôi “dàn xếp” với Đoàn Ngọc Thu rồi (cười).
Đoàn Ngọc Thu: Không, tôi vốn tin người, tin lắm. Tôi luôn tin ở phần tốt đẹp, nên khi có nghi án bán độ của V-League hồi trước, tôi đã viết: Sự lãng mạn vẫn tin vào những giọt nước mắt. Nên tôi không nghi ngờ các cầu thủ, kể cả ở vùng trũng.
Họ có thể bán độ, vì không gì là không thể xảy ra, nhưng lòng tin của tôi vào cái đẹp nó lớn hơn cái sự nghi ngờ, và tôi cho là, ta cần phải tin thì mới sống tốt. Tuy nhiên, với ban tổ chức, thì chả riêng FIFA, hay bất cứ tổ chức liên đoàn bóng đá nào họ đều có những toan tính của họ, liên quan đến tiền bạc, chính trị... đó mãi mãi là góc khuất.
Phạm An: Vậy có lẽ với người hâm mộ chúng ta, chỉ có cách dàn xếp ngoài... quán trà đá và bàn bia vậy.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất