30/06/2014 15:04 GMT+7 | Vòng 1/8
1. Tháng 4/1958, chỉ 2 tháng trước khi VCK World Cup năm đó diễn ra, hai tuyển thủ Pháp bỏ trốn. Họ vượt biên đến Italy, rồi từ đó vượt biển đến Tunis, Algeria. Ở đó, họ xuất hiện trong một buổi họp báo cùng nhiều cầu thủ Pháp khác cũng đã rời nước Pháp. Họ quyết định sẽ rời bỏ đội bóng của mình để lập ra một đội tuyển quốc gia mới: Đội tuyển của nước thuộc địa Algeria.
Đó là Mustapha Zitouni và Rachid Mekloufi, hai người đã từ chối cơ hội được chơi ở World Cup 1958 cùng Pháp để tham gia vào một đội tuyển không được thừa nhận bởi FIFA. Đội bóng ấy trở thành đại sứ của những người cách mạng Algeria trong nỗ lực giành quyền độc lập từ tay nước Pháp. Họ đã từng có một trận giao hữu với đội tuyển Việt Nam - lá cờ đầu của phong trào giải phóng thuộc địa toàn thế giới.
2. Đến hôm nay, nếu nói đến mối quan hệ giữa Pháp và Algeria trong bóng đá, người ta sẽ rất dễ dàng nhớ ra Zinedine Zidane và Karim Benzema, những cầu thủ có cha mẹ là dân Algeria.
Không còn cuộc đấu tranh giải phóng nào, không còn những mâu thuẫn ý thức hệ lớn, việc lựa chọn giữa đội tuyển Pháp và một đội tuyển châu Phi có vẻ rất dễ dàng cho các thanh niên. “Dễ hơn cho tôi” - đó chính là lý do Zidane đưa ra cho quyết định lựa chọn tuyển Pháp của anh.
Họ thậm chí không muốn hát quốc ca Pháp trước trận đấu. Ở Zidane và Benzema, không thấy hình ảnh của Tổ quốc đậm nét như cái thời của Zitouni và Mekloufi. Benzema thậm chí thừa nhận rằng anh cũng chẳng thần tượng Zidane, dù hai người đều sinh ra trong một gia đình người lao động nhập cư Algeria và tưởng như người này sẽ noi gương người kia.
Không, Benzema không hề đặt nặng nề những khái niệm dân tộc, tổ quốc trong trường hợp này. Họ chỉ đơn giản là lựa chọn một đội bóng tốt để chơi, và chơi hết mình.
3. Sẽ rất dễ để nghĩ rằng chẳng còn ai “dại” mà lựa chọn chơi cho đội tuyển yếu hơn như thời “các cụ” nữa. Đối thủ của Pháp đêm nay, Nigeria, là một đội bóng bị chối từ.
Trong đội hình của Nigeria hiện nay chỉ có 3 người có cơ hội chơi bóng cho đội tuyển nước ngoài chấp nhận về chơi bóng cho quê hương, là Peter Odemwingie (sinh ra tại Uzbekistan), Victor Moses và Shola Ameobi (lớn lên tại Anh).
Toàn bộ những người khác, những người có cơ hội chơi bóng cho một đội tuyển khác, đều từ chối Nigeria. Danh sách có thể dài vô tận: Gabby Agbonlahor, Dennis Aogo, Carlton Okorie Cole, David Alaba, Patrick Owomoyela, Sydney Sam, Ross Barkley, Nathan Delfuenso, Ikechi Anya, Nedum Onuoha... Và bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng những cầu thủ đó, nếu ở lại châu Âu và cố tìm cách cạnh tranh với các ngôi sao bản địa, họ cũng không có nhiều cơ hội để trở thành những Zidane thứ hai.
Cơ hội, nếu chỉ xét về mặt sự nghiệp của họ, ở Nigeria “sáng” hơn rất nhiều. Ít nhất, khả năng được dự World Cup là thường xuyên.
David Alaba có thể lên như diều trong màu áo Bayern Munich, nhưng đến bao giờ Áo mới dự World Cup? Nhưng có lẽ tên anh đã nói lên tất cả: Anh tên đầy đủ là David Olatokunbo Alaba. Trong đó, rất trớ trêu, Olatokunbo là một từ tiếng thổ dân Nigeria nghĩa là “Sự giàu có từ nước ngoài”.
Nigeria là một thái cực đối nghịch với Pháp, khi đội tuyển của HLV Deschamps được xây dựng từ một tập hợp đa sắc tộc. Tất nhiên là phần lớn vẫn do nước Pháp tự đào tạo, nhưng việc có một bộ mã gene giàu có khiến bóng đá Pháp lớn mạnh là điều không thể phủ nhận.
Có lẽ người ta phải chấp nhận rằng bóng đá đã qua đi cái thời gắn liền với chủ nghĩa dân tộc, cho quốc gia. Có lẽ phải chấp nhận rằng bây giờ có nhiều người chỉ tư duy nó như một môn chơi: Đội nào mạnh hơn thì tôi chơi.
Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất