20/09/2016 14:03 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo chiến lược xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông còn là một nhà báo, một phóng viên sáng giá của Hãng thông tấn Reuters (Anh) và một loạt các tạp chí nổi tiếng thế giới.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, hiến dâng suốt đời cho nước, cho dân. Sự hy sinh thầm lặng cùng những cống hiến hết mình của ông đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong ngày 30/4/1975.Nhà tình báo chiến lược xuất sắc
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (tên thật là Trần Văn Trung - Hai Trung) sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa, Đồng Nai, trong một gia đình viên chức cao cấp. Ông đã tham gia phong trào học sinh - sinh viên ở Sài Gòn và đỉnh cao là phong trào Trần Văn Ơn.
Ông được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào chiến khu D nhận nhiệm vụ hoạt động tại trung tâm đầu não quân sự của địch ở Sài Gòn, để nắm được các ý đồ chiến lược về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế của thực dân Pháp. Trần Văn Trung đổi tên thành Phạm Xuân Ẩn.
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.
Cái “mác” công chức, lại là dân học trường Tây, có giấy khai sinh do Tây cấp và là con của một cựu trắc địa sư tên tuổi, đã giúp ích rất nhiều cho người chiến sĩ tình báo Phạm Xuân Ẩn trở thành nhân viên tham mưu tin cậy trong Bộ Chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp.
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, ông trở thành “cộng sự” thân thiết của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (Sài Gòn Military Mission). Ông được cố vấn quân sự Mỹ đề nghị tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần để xây dựng “Quân đội Việt Nam Cộng hòa”.
Đặc biệt, Phạm Xuân Ẩn còn được giao hợp tác với Mỹ lựa chọn những sĩ quan trẻ có triển vọng để đưa sang Mỹ đào tạo (trong số đó có Nguyễn Văn Thiệu, người sau này trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa).
Tháng 10/1957, để có thể đi nhiều nơi, tiếp cận với những nhân vật quyền lực nhất, nhằm thu thập các tin tức tình báo nhanh chóng và chính xác nhất, Phạm Xuân Ẩn đã được Đảng cử sang Mỹ học ngành báo chí tại California từ 1957-1959. Đây là cơ hội hiếm có để ông tiếp thu kiến thức và tiếp cận với các cơ quan đầu não của địch, nhằm thực hiện nhiệm vụ tình báo chiến lược sau này.
Sau khi trở về nước, ông được mời làm phóng viên cho hãng thông tấn Reuters (Anh) và các báo khác của Mỹ. Do có quan hệ rộng với các cơ quan quân sự, tình báo, thông tin Mỹ, cùng quan chức cao cấp của Phủ Tổng thống, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Bộ Tổng tham mưu… nên các chính khách, tướng tá của chế độ Sài Gòn hết sức quý trọng ông và “cho rằng” Phạm Xuân Ẩn là người của “CIA”.
Lúc bấy giờ, các phe phái cầm quyền ở Sài Gòn, tuy đều “thuần phục” Mỹ nhưng luôn hục hặc, tìm cách hất cẳng nhau. Do đó, “ông nhà báo gốc CIA” Phạm Xuân Ẩn trở thành nhân vật đáng nể mà phe phái nào trên chính trường Sài Gòn cũng muốn tranh thủ, để vừa đón được ý đồ của quan thầy Mỹ, vừa nghe ngóng tình hình của nhau.
Với vỏ bọc là phóng viên tuần báo Time của Mỹ và danh nghĩa là “người của CIA”, Phạm Xuân Ẩn đã có được nhiều nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo Mỹ. Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của ông được bí mật gửi cho Trung ương cục miền Nam thông qua mạng lưới H63, sau đó gửi cho Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ-Ngụy.
Trong hoạt động tình báo, ông luôn tuân thủ phương pháp bảo mật hết sức chặt chẽ: không quan hệ, tiếp xúc và hợp tác với những đồng nghiệp có tư tưởng tiến bộ, thân cách mạng hoặc những người mà ông biết chắc là “người đằng mình”.
Phải chối bạn, chơi với kẻ thù là điều hết sức khổ tâm, nhưng vì sự nghiệp chung, nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn đã cố nén lòng suốt hơn 20 năm, chỉ quan hệ, chơi với các tướng tá an ninh, mật vụ, cảnh sát Sài Gòn, và “đồng nghiệp thân thiết” là những nhà báo bồi bút chống phá ta.
Suốt 20 năm chiến tranh, ông đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim đông tây nào làm nổi. Trong 20 năm đó, đầu não kháng chiến nắm được ý đồ của Mỹ phần nhiều qua những tin tức và phân tích từ ông. Những chiến lược, chiến thuật, những chiến dịch, những cuộc hành quân lớn, những ý đồ quân sự - chính trị của đối phương, nhất là trong các thời điểm đặc biệt, đều được ông cung cấp từ trong trứng nước cho cấp chỉ huy cao nhất của kháng chiến.
Điều lạ lùng là ông đã làm những chuyện kỳ diệu đó không theo cách thông thường của hoạt động tình báo mà người ta quen hiểu. Ông làm việc gì cũng quang minh chính đại. Ông hoạt động tình báo vì Tổ quốc mình và khi trở thành nhà tình báo ông hoạt động chuyên nghiệp, không cảm tính. Là một người chính trực, Phạm Xuân Ẩn không cung cấp thông tin theo "khẩu vị" cấp trên. Đó là lý do khiến cho những tin tức tình báo từ Phạm Xuân Ẩn được cấp trên tin cậy một cách tuyệt đối.
Một nhà báo chuyên nghiệp
Ngoài ra, ông cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, là ký giả hãng tin Anh Reuters, rồi ký giả báo Time của Mỹ. Từ năm 1965 đến năm 1976, ông là phóng viên người Việt chính thức duy nhất của tuần báo Time, ngoài ra, ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor. Nghề nghiệp giỏi, lại trung thực, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, ông trở thành người được báo giới phương Tây cảm phục, kính trọng và yêu mến.
Trong vai trò nhà báo xuất sắc, ông có quan hệ rất rộng. Một nhà lý luận Mỹ nhận xét: “Ở tòa báo Time, Ẩn là người khôn khéo. Ẩn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt-Mỹ và cũng là một trong số rất ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.
Từ những quan hệ đó, danh tiếng nhà báo Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng nổi như cồn do ông luôn có những tin tức nóng hổi, nhanh chóng và chính xác về tình hình chiến sự cũng như thời sự ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, ông còn có nhiều bài báo chính xác về những diễn biến thuộc nội tình chính giới Sài Gòn, nơi mà báo chí phương Tây cho rằng “Đảo chính xảy ra như cơm bữa”, nên được các đồng nghiệp nước ngoài rất kính nể.
Với nguồn tin thu thập ngày càng mở rộng, các bản báo cáo của ông sống động và tỉ mỉ đến mức khi nhận được, lãnh đạo ta đã nhận định: "Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Mỹ."
Ở Phạm Xuân Ẩn không ai tìm thấy sự giả dối trong các bài báo của ông. Sau 30 năm kết thúc chiến tranh, một trí thức Mỹ, giáo sư Thomas A.Bass đã viết về Phạm Xuân Ẩn trên tờ The New Yorker: "Ẩn là một người Việt Nam thầm lặng, một mẫu người tiêu biểu với một lý tưởng cách mạng vững vàng. Anh thường nói anh không bao giờ dối ai, rằng anh cung cấp những bài phân tích chính trị cho báo Time mà anh đã gửi cho Bắc Việt. Anh là một người bị xẻ đôi có lòng trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói toàn sự thật".
Theo lời của ông McCulloch, cựu giám đốc các văn phòng báo Time tại châu Á: “Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường".
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ông mới được phép trở về với con người thật của mình. Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 4 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 1 hạng Ba)...
Đặc biệt, ngày 15/1/1976, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ông mất ngày 20/9/2006 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.
Theo Hoài Nam - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất