22/11/2018 22:17 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối 22/11 vị trí tâm bão số 9 cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 100km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Bão sẽ mạnh giật cấp 12, đường đi khó dự báo
Dự báo trong 24 giờ tới, cơn bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 khoảng 75-90km/giờ, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ-Đông Nam Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ-Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giật cấp 9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi đi vào Biển Đông, trên điều kiện nền nhiệt nước biển ở khu vực Biển Đông đang cao (trên 27 độ C), cùng lúc ở phía Bắc nên chiều và đêm ngày 21/11 sẽ có một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ ảnh hưởng tới sự dịch chuyển cũng như cường độ của cơn bão số 9.
Sự tương tác này khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của cơn bão số 9 sẽ rất phức tạp, không khí lạnh có thể khiến bão sẽ suy yếu và gây mưa ít. Nhưng không khí lạnh cũng có thể làm cho cường độ bão mạnh lên, hướng di chuyển của bão cũng có thay đổi. Nếu không khí lạnh mạnh có thể sẽ làm cho bão di chuyển lệch hơn về phía Nam, do đó, việc dự báo khu vực đổ bộ của bão số 9 là rất khó.
Khả năng bão và không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đồng thời, vì thế khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa bão có khả năng sẽ mạnh lên tới cấp 9-11 và khu vực khả năng ảnh hưởng của cơn bão số 9 sẽ là các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Khánh Hòa tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong đợt mưa lũ lớn
Tối 22/11, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của địa phương đã tìm thấy thi thể ông La Hăng (sinh năm 1950) ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang - nạn nhân mất tích trong các vụ sạt lở đất đá do mưa lũ, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 trên địa bàn tỉnh.
Thi thể của ông La Hăng được tìm thấy vào 14 giờ 45 phút ngày 22/11, cách vị trí nhà ở của nạn nhân khoảng vài trăm mét. Hiện thi thể nạn nhân đã được đưa về Nhà văn hóa thôn Thành Phát để gia đình cùng chính quyền địa phương tổ chức mai táng.
Ông Khánh cho biết thêm: "Đây là người mất tích cuối cùng được tìm thấy trong tổng số 5 trường hợp mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua ở thành phố Nha Trang. Các lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ cùng với người dân nỗ lực tìm kiếm trong suốt những ngày qua".
Trong đợt mưa lũ này, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có 19 người, 28 người bị thương.
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 8, từ tối 17 và sáng 18/11, địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to, trong đó thành phố Nha Trang lượng mưa đo được lên đến 380 mm, khiến một số tuyến đường tại Nha Trang bị ngập sâu và nhiều sườn núi bị sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
Công điện của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện 1671/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.
Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của bão số 8, trong các ngày 17-18/11/2018, một số tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Chiều 22/11, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 9) và đang di chuyển hướng về khu vực quần đảo Trường Sa, đất liền nước ta.
Dự báo, bão số 9 còn tiếp tục mạnh thêm, ngày 24 hoặc sáng 25/11, vùng tâm bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12, gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, nhất là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lớn do bão số 8 vừa qua.
Khu vực dự kiến bão đổ bộ có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, đảo, ven biển, đã bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 năm 2017 và bão số 8 năm 2018, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa. Đây là cơn bão cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Đối với trên biển và các đảo, tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền (kể cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Tùy theo diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định thực hiện việc cấm biển; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tại nơi tránh trú, kể cả đối với các tàu vãng lai của địa phương khác và tàu quốc tế. Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu vực gần các cột tháp cao, các nhà không bảo đảm an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào.
Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín; chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, khu khai thác khoáng sản. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
Khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền của ngư dân và triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo vệ an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê, kè biển xung yếu.
Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí trên biển; vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, hệ thống điện; bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính.
Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao…
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khu vực bão đổ bộ.
Bộ Ngoại giao theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào, chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ; phổ biến kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất