13/12/2011 10:28 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin vừa thông báo sẽ chạy đua vào ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm tới, một quyết định khiến không ít nhà phân tích ngạc nhiên bởi ông được đánh giá chỉ nắm từ 1-2% cơ hội chiến thắng trước các đối thủ.
Dominique de Villepin, đối thủ chính trị khó chịu của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, đã chính thức công bố dự định của ông trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1.
Tham gia tranh cử vì "lợi ích của nước Pháp"
"Tôi đã quyết định trở thành một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012... Tôi tin chắc rằng cuộc bầu cử 2012 sẽ là cuộc bầu cử của niềm tin, sự dũng cảm và khát vọng" - Villepin tuyên bố trước ống kính máy quay, đồng thời cho biết bản thân "muốn đoàn kết mọi người Pháp, kể cả những người ở cánh tả, cánh hữu hay theo đường lối trung dung".
Tuyên bố của Villepin được xem là một đòn đánh trực diện nhằm vào ông Sarkozy và đảng UMP của ông. Sarkozy đã hy vọng Villepin sẽ đứng phía sau ông và đảng UMP trong cuộc đua khó khăn vào ghế Tổng thống Pháp. Tỉ lệ ủng hộ của Sarkozy hiện đang ở mức thấp, bất chấp việc nó đã có tăng lên chút đỉnh trong mấy tuần gần đây. Cuộc thăm dò của tạp chí Journal du Dimanche diễn ra hồi tháng trước cho thấy chỉ 34% cử tri Pháp hài lòng với ngài Tổng thống.
Villepin nói rằng ông không có ý định liên minh với Sarkozy. Ông cũng cho biết gần đây đôi bên mới gặp nhau để giải quyết các bất hòa trong quá khứ, nhưng không phải để thành lập liên minh chính trị. "Tôi đã để những oán giận sang một bên. Điều khiến tôi quan tâm hiện giờ là lợi ích của nước Pháp" - ông nói.
Cựu Thủ tướng Pháp đã quyết định ganh đua với đối thủ Sarkozy,
dù cơ hội chiến thắng của ông rất thấp
Chính trị gia với nhiều thăng trầm
Villepin sinh tại Rabat, Morocco, trong một gia đình có gốc trung lưu. Cụ của ông là một đại tá trong quân đội Pháp còn ông nội là thành viên của nhiều công ty lớn. Cha đẻ là Xavier de Villepin từng là một nhà ngoại giao, thành viên của Thượng viện Pháp.
Xuất thân tốt đã tạo điều kiện để Villepin được theo học tại các ngôi trường danh giá như Viện Sciences-Po và Trường Quản trị công (ENA), nơi chuyên đào tạo các quan chức hàng đầu của Pháp. Villepin còn có bằng cử nhân luật dân sự và văn học Pháp tại các Đại học Paris II Panthéon-Assas và Paris X Nanterre. Sau khi tốt nghiệp, ông có thời gian tham gia quân đội, phục vụ trên tàu sân bay Clemenceau, trước khi trở thành một nhà ngoại giao.
Villepin được giới thiệu với Jacques Chirac vào đầu những năm 1980 và trở thành cố vấn chính sách ngoại giao của ông. Năm 1993, ông trở thành Chánh văn phòng Ngoại trưởng Alain Juppe, trước khi nắm ghế giám đốc chiến dịch tranh cử Tổng thống của Chirac hồi năm 1995. Thắng lợi của chiến dịch đã khiến ông được giao ghế Tổng thư ký ở điện Elysee.
Nhưng sau đó Villepin đã sai lầm khi khuyên Chirac tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội sớm vào năm 1997, trong thời điểm đảng cầm quyền của Chirac đang nắm thế đa số. Hậu quả là đảng đã thua nặng nề trong cuộc bầu cử và Villepin bị đánh giá là non kinh nghiệm và ông chỉ giữ vị trí cao là nhờ cái bóng của Chirac.
Villepin có một mối quan hệ không êm ấm với nhiều thành viên trong bộ sậu của ông Chirac khi đó và đặc biệt nổi tiếng hay đối đầu với Sarkozy. Khi Chirac tái đắc cử ghế Tổng thống lần 2 vào năm 2002, Villepin được giao ghế Ngoại trưởng. Ở vị trí này, ông đã gây ấn tượng mạnh nhất khi đại diện cho Pháp phản đối dữ dội cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. Ông đã mang tới cho Pháp vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước phản chiến gồm Đức, Bỉ, Nga, Trung Quốc. Bài phát biểu ông trình bày trước LHQ để chống lại bản nghị quyết thứ 2 cho phép sử dụng vũ lực chống chính quyền Saddam Hussein đã được đánh giá rất cao.
Nhưng ngay sau đó, vào giữa năm 2003, Villepin đã bí mật tổ chức chiến dịch "14 juillet" nhằm giải cứu học trò cũ của ông là Ingrid Betancourt, người đang bị các chiến binh FARC giam giữ ở Colombia. Chiến dịch đã thất bại và vì ông không thông báo cho Colombia, Brazil hay Tổng thống Chirac, nó đã trở thành một vụ bê bối chính trị.
Giới phân tích nói rằng đã có thời điểm Chirac xem Villepin như người kế nhiệm ông. Tuy nhiên sau đó Nicolas Sarkozy lại là nhân vật được chọn để đại diện cho đảng trung hữu UMP. Quan hệ giữa 2 người vốn không êm ấm, lại càng trở nên căng thẳng hơn sau vụ Clearstream. Đây được coi là vụ xung đột ở cơ quan quyền lực cao nhất nước Pháp, trong đó chủ yếu là sự đối đầu giữa Sarkozy và Villepin.
Phiên tòa được tiến hành nhằm xác định trách nhiệm của ông Villepin trong vụ gửi một tài liệu giả đến cơ quan tư pháp Pháp vào đầu năm 2004, tố cáo nhiều nhân vật chính trị và doanh nhân có tên tuổi ở Pháp và nước ngoài, trong đó ông Sarkozy, đã hợp đồng ăn chia hoa hồng bất hợp pháp trong một vụ bán tàu chiến Pháp cho Đài Loan năm 1991 và hưởng lợi thông qua các tài khoản bí mật tại ngân hàng Clearstream của Luxembourg.
Tháng 10/2009, Viện Công tố Paris đã đề nghị mức án 18 tháng tù treo đối với ông Villepin và phạt 45.000 Euro vì tội làm ngơ dù biết rằng các chứng từ trong vụ Clearstream là giả mạo. Song đề nghị này đã bị Tòa Tiểu hình Paris bác bỏ và cựu Thủ tướng Pháp đã được tha bổng hồi đầu năm nay.
Tới tháng 9 năm nay, chính trường Pháp lại được phen dậy sóng khi Robert Bourgi, một chuyên gia về châu Phi có mối quan hệ thân cận với ông Sarkozy cáo buộc rằng các lãnh đạo châu Phi thường xuyên chuyển những vali đầy tiền tới cho ông Jacques Chirac và Villepin. Tuy nhiên Villepin nói rằng những thông tin của Bourgi chỉ là một chiêu “gây hoả mù”, không có căn cứ và doạ đưa ông này ra toà.
Gần đây, Villepin lại có liên quan tới một cuộc điều tra tham nhũng, trong đó ông bị cáo buộc gây áp lực cho một doanh nhân để người này không cung cấp thông tin cho cảnh sát, vốn có thể làm một trong những bạn bè của ông bị liên đới trách nhiệm.
Cơ hội chiến thắng không nhiều
Trở lại tuyên bố tranh cử của Villepin, các nhà bình luận ở Pháp đã nhanh chóng thể hiện sự ngạc nhiên của họ trước động thái mới này, bởi kết quả thăm dò cho thấy ông sẽ chỉ giành từ 1-2% lượng phiếu bầu trong vòng bầu cử đầu tiên, dự kiến diễn ra trong tháng 4/2012.
Ông còn để mất vài thành viên chủ chốt trong đảng République Solidaire thiên hữu của mình về tay Sarkozy. "Chúng tôi có cảm giác Villepin đã xong phim rồi" - Frédérique Delpech, phóng viên chính trị của đài truyền hình Pháp LCI đánh giá. Nadine Morano, giám đốc chiến dịch tranh cử của đảng cầm quyền UMP đã kêu gọi Villepin từ bỏ việc chạy đua tổng thống và "thay vào đó, ủng hộ ông Sarkozy".
Tuy nhiên Jean-Pierre Grand, chủ tịch đảng République Solidaire lại nói rằng chẳng có lý do gì để Villepin từ bỏ ý định của mình. Grand đã xuất hiện trên LCI và tuyên bố: "Tôi khuyên các bạn hãy theo ông ấy xuống phố và xem cái cách người Pháp bắt chuyện với ông ấy. Các bạn sẽ thấy rằng ông ấy không cô đơn".
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất