Đà Nẵng trao bằng khen cho người sưu tập bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

19/06/2013 12:56 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/6, UBND TP Đà Nẵng đã trao bằng khen cho anh Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ vì Đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Công cuộc "săn" bản đồ

Trần Thắng (sinh năm 1971) là Việt kiều Mỹ- Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ. Anh là người đã có công sưu tầm hơn 100 bản đồ cổ và 3 cuốn atlas khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ này đã được TP Đà Nẵng đưa vào triển lãm ngày 20/1 và 29/4.



UBND TP Đà Nẵng trao bằng khen cho anh Trần Thắng vì “Đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”

Tại cuộc nói chuyện với lãnh đạo TP Đà Nẵng, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa và Phó viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, anh Trần Thắng cho biết: “Hiện nay đã sưu tầm được khoảng 150 bản đồ lẻ, 3 cuốn atlas khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ thế giới vẽ cả Trung Quốc chỉ có khoảng 100 tấm nhưng chúng ta đã có đến 80 tấm và trong cả 80 tấm này đều cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam”.

Chia sẻ cảm xúc trong thời gian tìm và sưu tập bản đồ, anh Thắng nói: “Tôi bắt đầu sưu tầm bản đồ từ tháng 8/2012 do một lần vô tình vào trang mua bán. Sau đó tôi gửi hình ảnh, hỏi tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn về giá trị của nó. Khi bắt đầu biết có bản đồ đầu tiên này, tôi đã thông báo cho Đại sứ quán và Đại sứ quán đã thông báo đến Ủy ban Biên giới Quốc gia. Sau đó, tôi tự bỏ tiền ra mua. Thực ra, mình chỉ có cái duyên sưu tầm bản đồ chứ không phải chuyên môn”.

Anh Thắng kể: “Khi sưu tầm bản đồ, cả gia đình đều không biết mình đang làm gì. Nhân viên bưu điện thì rất tò mò vì anh ta phải thường xuyên đưa những ống bản đồ đến cho tôi. Anh ta hỏi tôi là người buôn bán bản đồ à? Trong suốt quá trình sưu tầm, thực sự tôi có cảm xúc mạnh mẽ nhất với cuốn Atlas xuất bản năm 1933 “Trung Hoa dân quốc bưu chính dư đồ”. Tôi ở tiểu bang Massachusetts, khi nghe tin có cuốn atlas này, tôi đã lái xe đến New York và thật không ngờ nó lại cụ thể và hoành tráng như thế, lại do chính Trung Quốc in ra. Cho đến nay, tổng số chi phí cho những bản đồ và atlas này là 13.000$. Trong đó UBND huyện Hoàng Sa ủng hộ 3.000$, bạn bè ủng hộ 5.000-6.000$, còn lại tôi bỏ tiền túi ra.

Điều đáng mừng là hầu hết Việt kiều Mỹ đều rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền của đất nước mình. Họ đều tự nguyện quyên góp để mua những bản đồ này. Trong thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục sưu tâm các bản đồ này. Chỉ hi vọng những tài liệu này có giá trị nghiên cứu khoa học hoặc giá trị pháp lý”.

Anh Trần Thắng cũng lưu ý: “Hiện trên thế giới đang ưu tiên vấn đề an ninh hàng hải. Vì thế song song với việc bảo vệ chủ quyền, chúng ta nên gắn với an ninh hàng hải để được thế giới ủng hộ nhiều hơn”.



Anh Trần Thắng trao 1 trong những bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho UBND huyện Hoàng Sa và Viện Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng.

TP Đà Nẵng luôn ủng hộ việc sưu tầm

Trong cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Phùng Tấn Viết đã biểu dương và đánh giá cao công lao của anh Trần Thắng. Ông nói: “Có được những tấm bản đồ quý giá này là xuất phát từ tấm lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước của một người Việt Nam. Tôi và thành phố mong anh tiếp tục và quyết tâm sưu tầm để hoàn thiện kho tư liệu. Thành phố có thể hỗ trợ anh nhiều phương tiện để cùng nhau sưu tầm. Thay vì triển lãm ở Đà Nẵng, chúng ta sẽ đưa các bản đồ này đến nhiều nơi để triển lãm”.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - ông Đặng Công Ngữ cảm ơn anh Trần Thắng và mong được tiếp tục hợp tác sưu tầm và kết nối với bạn bè trên thế giới. Ông Ngữ cho biết, hiện Bộ Thông tin và Truyền Thông đang có kế hoạch sử dụng các tư liệu này để triển lãm ở nhiều tỉnh thành.

TS.Trần Đức Anh Sơn cũng bật mí: “Tôi đang phối hợp với một nhóm nghiên cứu gồm 4 người để tìm ra những bản đồ có giá trị nhất in thành sách và dự định sẽ xuất bản trong năm nay, để đưa đến tận tay người dân những chứng cứ này. Hơn nữa, tôi đã scan những tấm bản đồ này chuyển cho GS. Trần Quý Doãn - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội để làm đề tài nghiên cứu cho sinh viên”.

Như vậy trong thời gian tới, một mặt anh Trần Thắng ở Mỹ vẫn tiếp tục sưu tầm các bản đồ cổ nhằm củng cố vững chắc hơn những chứng cứ về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, ở trong nước, TP Đà Nẵng vẫn luôn theo dõi và ủng hộ quá trình sưu tầm. Các nhà nghiên cứu cũng không còn đóng khung vấn đề này trong các đề tài mà đã đưa đến tận tay người dân và mở rộng cho các bạn sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước nghiên cứu. Hi vọng với sự kết hợp tích cực cả trong và ngoài nước, chúng ta sớm có kết quả tốt trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

                               Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link