11/01/2018 08:06 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 về đại án Phạm Công Danh hiện đang tiếp tục gây chú ý đến dư luận, bởi các khoản tiền sai phạm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều người vẫn không hiểu số tiền này có dễ thu hồi hay không.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - tài chính LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight và thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.
* Thưa LS.TS Bùi Quang Tín, ở góc độ là một chuyên gia về tài chính - ngân hàng, phiên sơ thẩm gia đoạn 2 này cần làm rõ điều gì?
- Có thể thấy, đại án Phạm Công Danh là vấn đề rất nóng. Bởi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt và làm thất thoát số tiền 9.000 tỷ đồng đã được xét xử xong giai đoạn 1 và tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù, đồng thời buộc trả lại số tiền trên.
Giai đoạn 2 là số tiền mà Danh cùng 43 đồng phạm đã bị truy tố và đang xét xử sơ thẩm về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng (VNCB).
Theo đó, trong phiên tòa sơ thẩm này cần làm rõ các khoản vay tại ngân hàng STB, BIDV và TPBank có tuân thủ quy định của pháp luật hay không, những cá nhân tổ chức nào có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật này.
Số tiền vay, tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, thẩm quyền phê duyệt tín dụng, mục đích vay vốn ra sao? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước? Mối liên hệ giữa các số liệu trong giai đoạn 1 và 2 của vụ án này như thế nào.
Xem xét hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng của các lãnh đạo ngân hàng STB, BIDV và TPBank, trách nhiệm của người làm công ăn lương giúp sức tích cực cho các hành vi của Danh?
* Trong vụ án được đưa ra xét xử lần này, bị cáo Trầm Bê biết Phạm Công Danh với tư cách Chủ tịch HĐQT nên không thể vay tiền tại VNCB, vì thế đã đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Trong hoạt động tại các tổ chức tín dụng, điều này có hợp pháp, thưa ông?
- Thông thường, quy trình cho vay của ngân hàng được thông qua 4 bước cơ bản: Tiếp xúc khách hàng; thẩm định hồ sơ vay; phê duyệt và giải ngân; kiểm soát sau khi cho vay.
Hầu hết các ngân hàng đều tuân thủ quy định này và thực hiện các quy trình khá chặt chẽ. Tuy nhiên, việc vi phạm cũng thường xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, như vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Hay khách hàng có thể cấu kết với lãnh đạo, nhân viên ngân hàng để thông qua hồ sơ vay do hồ sơ vay chưa đáp ứng đủ các giấy tờ yêu cầu của ngân hàng (phương án kinh doanh, tài sản thế chấp...).
Đối với việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền là bình thường và phổ biến. Tuy nhiên, hành vi của Danh và các đồng phạm cùng với các ngân hàng là không bình thường và có nhiều dấu hiệu vi phạm 2 tội: Cố ý vi phạm các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
* Theo ông, số tiền hơn 6.000 tỉ đồng mà Phạm Công Danh làm thất thoát của Ngân hàng Xây dựng có khó để tìm hiểu dòng tiền này đã đi đâu và có thể truy thu được lại hay không?
- Từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lấy 29 pháp nhân của 29 công ty do chính Phạm Công Danh thành lập để dùng 29 hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng là Sacombank, TPbank và BIDV.
Để vay được tiền của 3 ngân hàng này, Phạm Công Danh dùng “chiêu” mang tiền của VNCB gồm hơn 6.600 tỷ đồng gửi vào các ngân hàng nêu trên rồi cầm cố (tài sản thế chấp cho 29 công ty của Danh) nhằm vay tiền của 3 ngân hàng, rồi lại rút tiền ra tiêu xài. Hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho chính ngân hàng do Danh làm quản lý là VNCB, thiệt hại lên đến hơn 6.100 tỷ đồng.
Qua đó, có thể thấy thủ đoạn chính của Danh và các đồng phạm như sau:
Dùng tiền của VNCB gửi vào các ngân hàng
Lấy hợp đồng tiền gửi đó cầm cố vào các NH để vay tiền cho 29 pháp nhân do Danh tạo nên giả tạo.
Cấu kết với lãnh đạo các ngân hàng giai đoạn 2013-2014 để thông đồng phê duyệt các khoảng vay trên.
Các pháp nhân đó không trả được tiền thì 3 ngân hàng trên phải giải chấp tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho VNCB gần 6.100 tỷ đồng.
Các pháp nhân đều dùng hồ sơ khống để vay tiền.
Các ngân hàng giải ngân trước rồi bổ sung chứng từ sau.
Danh dùng số tiền cho mục đích riêng và làm thất thoát không thu hồi được.
Với những hành vi trên, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, việc truy thu được hay không tùy thuộc vào phán quyết của tòa, số tiền phải truy thu là bao nhiêu và khả năng tài chính của Phạm Công Danh sau khi bản án có hiệu lực.
* Trong vụ án này, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào, thưa ông?
- Qua đại án này cho thấy, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa hết trách nhiệm. Thêm nữa, còn nhiều lỗ hổng pháp lý trong pháp luật về ngân hàng cũng là một nguyên nhân khiến NHNN khó kiểm soát.
Theo đó, vừa qua NHNN đã cùng với các cơ quan có liên quan đã soạn nên Nghị quyết 42 và luật sửa đổi bổ sung của luật các tổ chức tín dụng 2010 cùng hàng loạt các văn bản khác nhằm tiếp tục hoàn thiện và khắc phục lỗ hổng từ cơ chế, chính sách.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Hải Yên/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất