Danh hiệu di sản phi vật thể thế giới: Đầy triển vọng với nghệ thuật bài chòi

17/11/2014 08:15 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa trở thành di sản Phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 8, nghệ thuật Bài chòi của các tỉnh Nam Trung Bộ đã lập tức được đưa vào danh sách đệ trình UNESCO xin danh hiệu cấp thế giới trong năm 2015 tới đây. Đâu là lý do của sự ưu tiên này?

Theo kế hoạch, chậm nhất là 31/3/2015, hồ sơ của di sản này phải được hoàn thành và được chuyển tới UNESCO - trước khi chờ kết quả chính thức vào năm 2016.

Đáp ứng tiêu chí của UNESCO

Hiện nay, Nam Trung Bộ vẫn đang là vùng "trắng" danh hiệu Di sản phi vật thể Thế giới khi đặt cạnh đồng bằng Bắc Bộ (hát xoan, quan họ, ca trù), Bắc Trung Bộ (nhã nhạc Huế), Tây Nguyên (không gian văn hóa cồng chiêng) hay Nam Bộ (đờn ca tài tử). Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu của giới nghiên cứu, bản thân những nét độc đáo của nghệ thuật bài chòi cũng hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí mà UNESCO đòi hỏi cho danh hiệu này.

"Hát bài chòi có những đặc thù rất riêng và khó nói rằng nó chịu ảnh hưởng trực tiếp của bất kỳ loại hình dân ca nào khác, kể cả nghệ thuật tuồng vốn là đặc sản miền Trung" - GS Hoàng Chương, cố vấn đặc biệt cho phía lập hồ sơ (Viện Âm nhạc và các tỉnh Nam Trung Bộ), khẳng định.


Liên hoan hát bài chòi tại Hà Nội năm 2012

Về cơ bản, bài chòi là sự kết hợp giữa một số điệu dân ca với diễn xướng trò chơi dân gian - trong đó người chơi ngồi trên 9 chiếc chòi cao, sử dụng một bộ bài riêng với hệ thống mõ và cờ đuôi nheo bằng giấy.

Năm 1902, trong công trình có tên, La Rousse Musicale, học giả người Pháp G.L. Bovier đã khẳng định: bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến của người Việt tại Nam Trung Bộ (giai đoạn cuối thế kỷ 15). Thậm chí, truyền thuyết địa phương cho rằng trò chơi này được  Đào Duy Từ - vị danh tướng xuất thân từ nghề xướng ca - sáng tạo nên khi dạy cho người dân bản địa dựng chòi để canh nương rẫy. Từ những điệu hát giải trí khi thức đêm, bài chòi dần phát triển thêm về hình thức và làn điệu, trở thành lễ hội bài chòi trong những dịp Tết Nguyên đán, rồi đặc biệt phát triển mạnh trong 100 năm trở lại đây với tính chất của một hình thức diễn xướng dân gian gần gũi với người dân .

"Rất thú vị, bài chòi phát triển đặc biệt mạnh vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, trong khi những loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương lại gặp cảnh lao đao. Bởi, nếu những diễn xướng này bị coi là tàn dư của phong kiến thì bài chòi vẫn tồn tại nguyên vẹn trong dân gian" - GS Hoàng Chương cho biết. "Thêm vào đó, khi những diễn xướng cần tới sân khấu không tổ chức được trong điều kiện chiến tranh, những người dân Nam Trung Bộ lại càng dồn sự quan tâm cho bài chòi. Không có điều kiện cắm chòi hát, bài chòi chuyển thành đơn ca, song ca và luôn được cộng đồng thực hành mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh".

Tính truyền thống xuyên thời gian ấy, cộng cùng sự sáng tạo đặc biệt của cộng đồng, là những tiêu chí quan trọng nhất mà UNESCO đòi hỏi ở một di sản phi vật thể như bài chòi.

Đánh thức sự quan tâm của cộng đồng

Theo GS Hoàng Chương, khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng hồ sơ nằm ở yêu cầu về việc xác định vùng không gian cơ bản của bài chòi. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nhiều địa phương đã phần nào có sự mai một về việc thực hành loại hình di sản này và chỉ còn tồn tại lác đác vài nghệ nhân hát bài chòi cổ.

"Hiện tại, 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa là những địa phương còn hào hứng nhất với việc bảo tồn nghệ thuật bài chòi. Trong đó, tỉnh Bình Định cần được ưu tiên nhìn nhận như một trong những cái nôi mà nghệ thuật bài chòi khởi phát" - GS Hoàng Chương cho biết. Theo lời ông, trong 3 địa phương này, Bình Định là nơi lưu giữ được nghệ thuật bài chòi ở mức cơ bản nhất, với hơn 10 CLB bài chòi vẫn đang tồn tại trong dân gian.

"Sự thật là nghệ thuật bài chòi vẫn tồn tại như một dòng chảy thầm lặng tại đây, bất chấp mọi biến thiên của hoàn cảnh. Vào những dịp lễ Tết, lượng người dồn về những CLB bài chòi tại Bình Định vẫn lên tới con số hàng ngàn" - GS Hoàng Chương cho biết. "Và trong trường hợp trở thành di sản thế giới, tôi tin rằng bài chòi vẫn có sức hấp dẫn tuyệt đối với du khách. Bởi, hình thức diễn xướng huy động hệ thống 9 chòi hát là cách làm rất độc đáo và luôn khơi gợi trí tò mò của khách du lịch nước ngoài".

Nhưng, với bề dày lịch sử hiện hữu, rõ ràng cái đích lớn nhất của danh xưng Di sản Thế giới mà bài chòi hướng tới vẫn là nhu cầu đánh thức sự quan tâm gìn giữ và bảo tồn của cộng đồng - chứ không đơn thuần là việc khai thác danh hiệu để thỏa mãn tâm lý tự hào địa phương hay phục vụ khách du lịch.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link