Dịch Covid-19 tối 14/8: TP.HCM ghi nhận gần 1.700 bệnh nhân nặng, nguy kịch

14/08/2021 22:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 14/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh  (HCDC) cho biết, hiện có gần 1.700 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy và 15 trường hợp can thiệp ECMO.

Hoàn thiện kịp thời những vấn đề chưa phù hợp trong phòng chống dịch Covid-19

Hoàn thiện kịp thời những vấn đề chưa phù hợp trong phòng chống dịch Covid-19

Việc khám sàng lọc, chọn người tình nguyện tiêm thử nghiệm mũi 1 vaccine COVID-19 Covivac giai đoạn 2 của Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/8 với nhiều thay đổi so với trước đó.

(Tiếp tục cập nhật)

TP. Hồ Chí Minh đang điều trị 32.608 bệnh nhân, trong đó có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng phải thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. 10.000 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà; hơn 12.000 F0 đã được điều trị tại cơ sở y tế trên 7 ngày và tải lượng virus thấp, đủ điều kiện để cách ly theo dõi tại nhà...

TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 4.030 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong tổng số 5.088 ca trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 14/8. Đây là vấn đề TP đang quan tâm nhất vì tỷ lệ F0 tử vong luôn ở mức cao - trung bình 241 ca mỗi ngày.

Để giảm số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, TP sẽ phân loại F0 hiệu quả hơn ở cả 5 tầng trong hệ thống điều trị. 

Chú thích ảnh
TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi một trường học thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19

Vượt 41.000 ca bệnh, Bình Dương kiến nghị cấp thêm 1 triệu liều vaccine

Tối 14/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 2.029 ca mắc mới (giảm 27,9% so với ngày 13/8).

Cùng ngày, Bình Dương có thêm 1.091 bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 9.717 trường hợp được xuất viện.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, việc phân tích số liệu cho thấy, số ca mới mắc COVID-19 tăng mạnh từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, nhưng sau đó có giảm xuống từ ngày 5/8 đến ngày 8/8. Tuy nhiên, các ca mắc có dấu hiệu tăng trở lại trong những ngày các địa phương đang triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2.

Cụ thể, từ ngày 2/8 đến nay, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 - test nhanh và PCR cho 257.002 người, ghi nhận 8.054 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các huyện, thị đang có hơn 5.600 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh và đang chờ xét nghiệm khẳng định.

Chú thích ảnh
Đưa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương vào hoạt động

Thành phố Thuận An vẫn là tâm dịch của Bình Dương, ngày 14/8 tiếp tục ghi nhận thêm 939 ca (tăng 9,6%). Kế đến là thành phố Thủ Dầu Một với 245 ca (tăng 78,8%), thị xã Tân Uyên - 482 ca (tăng 2,8%). Trong khi đó, vùng đỏ là thành phố Dĩ An đang có chiều hướng giảm, trong 24 giờ qua có 193 ca (giảm 82,4%).

Đáng chú ý, trong số 2.029 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 14/8 có 612 ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, 1.078 ca trong khu phong tỏa, 191 ca tại cơ sở y tế, 148 ca có kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời.

Bình Dương đã sử dụng hết 544.060 liều vaccine (từ đợt 1 đến đợt 16) do Bộ Y tế phân bổ. Trước tình hình này, Bình Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm 1 triệu liều vaccine trong thời gian sớm nhất để tiêm cho công nhân và người dân.

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu chấn chỉnh việc thực hiện giãn cách xã hội tại các khu vực phong tỏa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong khu vực này.

Tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đến nay Bình Dương ghi nhận 41.621 ca mắc COVID-19; 341 bệnh nhân tử vong. Hiện tại, toàn tỉnh có 10.672 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 2.676 ca có triệu chứng, 1.376 bệnh nhân có bệnh nền và 637 bệnh nhân chuyển nặng.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch tại khu phố 4 - thành phố Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương

Thêm 9.716 ca nhiễm mới, riêng TP.HCM có 4.231 ca

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước, TP. Hồ Chí Minh có 4.231 bệnh nhân. 

Cụ thể, thông tin các ca nhiễm mới: Ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới tại TP. Hồ Chí Minh (4.231), Bình Dương (2.029), Đồng Nai (1.023), Long An (653), Tiền Giang (461), Khánh Hòa (164), Cần Thơ (164), Đồng Tháp (118), Tây Ninh (97), Đà Nẵng (87), Bà Rịa - Vũng Tàu (77), Gia Lai (70), Vĩnh Long (57), Thừa Thiên Huế (57), Bến Tre (40), Hà Nội (40), Phú Yên (40), Bình Thuận (36), Quảng Ngãi (35), An Giang (33), Kiên Giang (32), Đắk Lắk (26), Bình Định (23), Ninh Thuận (22), Sơn La (17), Trà Vinh (16), Lâm Đồng (14), Nghệ An (12), Nam Định (8 ), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (3), Hải Dương (3), Lạng Sơn (2), Thái Bình (2), Lào Cai (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (1), Quảng Bình (1) trong đó có 3.510 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca. 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14/8.

Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình. 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).

Chú thích ảnh

Tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Chiều 14/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (285), Bình Dương (32), Long An (10), Tiền Giang (5), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình xét nghiệm: Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.579 xét nghiệm cho 569.731 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 7.993.443 mẫu cho 22.570.078 lượt người.

Trong ngày 13/8 có 727.902 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.

Ngày 14/8, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19.

Các địa phương tăng cường phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế. Trong đó các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh. Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Phú Yên tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 25/8 đối với 5 huyện, thị xã, thành phố

TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú. Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc Molnupiravir, đây là thuốc đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị.

TP.HCM thí điểm dùng Molnupiravir điều trị F0 tại nhà từ 16/8

Theo Bộ Y tế, từ ngày 16/8, tại TP.HCM, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir.

Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc COVID-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất. 

Theo đó, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.

Chú thích ảnh

Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. 

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ đã cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. 

Đồng Nai thêm 1.149 ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 1.149 ca dương tính mới với Covid-19, gồm 39 ca sàng lọc và 1.110 ca trong các khu cách ly, phong tỏa.

Riêng Huyện Nhơn Trạch 699 ca (chủ yếu ghi nhận ở Công ty Boe, Công ty Action Composites và các khu nhà trọ công nhân). TP. Biên Hòa 204 ca (Hóa An 55 ca, Hố Nai 31 ca, Long Bình 26 ca, Quyết Thắng 18 ca…). Huyện Vĩnh Cửu 173 ca, chủ yếu ở xã Thạnh Phú và xã Thiện Tân. Huyện Long Thành 24 ca, còn lại ở các địa phương khác. Huyện Thống Nhất trong 24 giờ qua không ghi nhận ca dương tính mới. Đến sáng 14/8 đã có 82 nhân viên y tế và một số lực lượng tuyến đầu khác nhiễm bệnh.

Theo ngành Y tế, số ca dương tính mới tăng cao chủ yếu ghi nhận tại một số doanh nghiệp 3 tại chỗ và khu nhà trọ công nhân trên địa bàn Huyện Vĩnh Cửu và Huyện Nhơn Trạch. Số ca dương tính ở TP.Biên Hòa ghi nhận nhiều ở những phường trọng điểm truy vết, lấy mẫu diện rộng. Vẫn còn có nhiều ca phát hiện qua sàng lọc ngoài cộng đồng. Ngành Y tế đang tiếp tục tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, tăng tốc tiêm vaccine để sớm đạt tỷ lệ bao phủ cao.

Tổng số ca dương mới trong đợt dịch thứ tư là 13.248 ca. Trong đó, TP.Biên Hòa nhiều nhất với 5.475 ca, thứ 2 là huyện Nhơn Trạch 2.913 ca, huyện Vĩnh Cửu 2.715 ca, huyện Trảng Bom 778 ca. Cộng dồn đến nay toàn tỉnh đã có 90 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định hỗ trợ Đồng Nai chống dịch

* Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La thông tin, trong quá trình tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ lấy trong ngày 12/8, có 17 mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Qua rà soát nhanh, các mẫu dương tính này có yếu tố dịch tễ là người trở về từ vùng dịch, đang cách ly tập trung và liên quan đến một số ca dương tính đã được xác định trước đó tại khu cách ly tập trung của huyện Phù Yên.

Tính từ ngày 21/7/2021 đến 6 giờ ngày 14/8, Sơn La đã ghi nhận 84 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện trong khu cách ly tập trung của huyện Phù Yên. Hiện tại có 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phù Yên; 80 trường hợp đang điều trị tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên.

Các địa phương siết chặt biện pháp giãn cách phòng chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các địa phương Hà Tĩnh, Bình Định, Long An đã khẩn trương thực hiện các biện pháp chống dịch.

Siết chặt các biện pháp giãn cách

Ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, đã có công văn gửi các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố và thị xã yêu cầu từ 6 giờ ngày 15/8, tất cả nhà hàng, quán ăn trên địa bàn không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục dừng hoạt động đối với nhà hàng, quán bia, quán ăn, cà phê, giải khát, cửa hàng tạp hóa trên tuyến Quốc lộ 1A và đường tránh Quốc lộ 1A. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Trước đó, ngày 12/8, UBND thành phố Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 15 triệu đồng đối với chủ quán 3 Nhất và chủ quán Cường Tính vì đã không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; vi phạm Khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng yêu cầu người dân không vào thành phố Hà Tĩnh khi không cần thiết. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Tối 13/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg đến ngày 25/8/2021. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang ký quyết định điều chỉnh việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại địa bàn thị xã An Nhơn.

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 14/8, kéo dài việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 15 ngày đối với các xã phường: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Các xã phường còn lại của thị xã An Nhơn sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định, đến tối 13/8, toàn tỉnh Bình Định có 431 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong, 180 trường hợp đã được chữa khỏi. Bình Định hiện đang thực hiện cách ly 823 người tại các khu cách ly tập trung.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế  Bình Định cho biết, mặc dù các địa phương, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền về dịch COVID-19 nhưng qua kết quả điều tra dịch tễ các ca bệnh, người dân địa phương vẫn còn rất chủ quan, nhiều gia đình ở các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nhưng vẫn tập trung đông người; có gia đình tổ chức sinh nhật, tập trung đánh bài... gây lây lan dịch bệnh cho nhiều người.

Đề nghị tiếp tục phân bổ vaccine

Do hết vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân, UBND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine cho tỉnh. Theo kế hoạch, Long An thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 1,36 triệu người từ 18 tuổi trở lên.

Trong đó giai đoạn một sẽ tiêm cho người dân ở 5 địa phương vùng đỏ gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An với số lượng dự kiến hơn 852.000 người, các địa phương còn lại thực hiện tiêm giai đoạn hai. Dự kiến nhu cầu vaccine của tỉnh là hơn 2,54 triệu liều. Bộ Y tế đã có văn bản thông báo sẽ cấp cho Long An gần 2,4 triệu liều trong năm 2021, tuy nhiên đến nay mới chỉ phân bổ được gần 400.000 liều.

Toàn bộ số vaccine được phân bổ đã được tỉnh triển khai tiêm cho người dân. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm 600.000 liều để thực hiện tiêm chủng cho người dân. UBND tỉnh Long An cam kết thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Long An là một trong những địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp nhất cả nước, chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương về số ca nhiễm. Tính đến hết ngày 12/8, trên địa bàn ghi nhận 13.276 ca mắc COVID-19, trong đó có 143 người đã tử vong.

Thảo Nhi - P.V/ TTXVN. Ảnh: TTXVN phát

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link