06/03/2019 19:01 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu.
Dịch tả lợn châu Phi lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
FAO Việt Nam khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết.
Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh dịch tả lợn châu Phi
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vắc xin điều trị.
Do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...
Thời gian vừa qua, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc một số xã. Đến thời điểm này, các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh.
Năm 1921, bệnh tả lợn lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến năm 2007, loại bệnh này xuất hiện ở các nước châu Mỹ. Đến nay, bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuối năm 2017 đến nay có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Bộ Y tế khẳng định bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Tại Việt Nam, ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức thông báo ghi nhận tám ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi. Như vậy, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan trên các đàn lợn nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế của người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người nên người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang. Người dân có thể tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc FAO lưu ý, việc kiểm soát của dịch tả lợn châu Phi là vô cùng khó khăn, do virus gây bệnh này có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, và ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.
Tuy nhiên FAO cho biết, dịch tả lợn châu Phi không phải là mối nguy hiểm đối với con người chỉ gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín. Hiện chưa có vaccine ngăn ngừa bệnh này ở lợn.
Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) khuyến cáo người nuôi lợn:
Khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.
Không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt.
Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật. Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch.
FAO khuyến cáo người đến người dân - Cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn. - Không tới thăm khu chăn nuôi lợn đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. - Khi thấy lợn chết, hãy báo cáo cho cán bộ thú y xã hoặc chính quyền địa phương. - Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài, nếu đưa hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng trước để tránh bị phạt. |
Hà Nội khẩn trương phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lớn tại huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh; đồng thời duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thành phố.
Hiện thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, thành phố tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch, chủ động khống chế bùng phát dịch; tổ chức diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại một số huyện để mời Ban chỉ đạo các quận, huyện tham quan, học kinh nghiệm chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Thảo Nhi (Theo Cục Y tế dự phòng, Cổng thông tin Bộ NN&PTNT)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất