Gần 1.200 vụ án xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm

14/03/2016 16:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực trong những năm gần đây không giảm mà ngược lại đang ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công an, hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 70% (tương đương khoảng 1.190 vụ).

Đây là số liệu được đưa ra tại Hôi thảo hướng dẫn thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 14/3 tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, số vụ án xâm hại trẻ em liên tục tăng. Năm 2012 số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011, sang năm 2013 tăng lên tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em là do nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cộng đồng, người dân về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em chưa đầy đủ, chưa thấy hết được các yếu tố tiềm ẩn dẫn đến trẻ em có thể bị tổn thương. Năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt là kỹ năng thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc còn thiếu hụt.


Trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia nói về phòng chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, sao nhãng, trẻ em có nguy cơ cần sự bảo vệ đặc biệt chưa kịp thời. Công tác giáo dục, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa chuyên nghiệp, các can thiệp chủ yếu mới dừng ở mức hỗ trợ vật chất, động viên mà thiếu các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương vẫn chỉ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền còn mang tính hình thức. Số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thành lập còn ít, hoạt động chủ yếu mới chỉ tập trung vào trợ giúp tiếp cận chính sách xã hội, chưa thật sự hoạt động đúng nghĩa là cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em, trừ một số địa bàn có dự án của UNICEF. Hệ thống bảo vệ trẻ em mới được hình thành thí điểm tại 5.510/11.118 xã, phường tại 43/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện nay, số lượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt nhận trợ cấp xã hội thường xuyên rất ít, chỉ khoảng 250.000 trẻ em được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên (chiếm dưới 10% tổng số trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt). Trong khi đó, hệ thống chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp trẻ em cũng còn hạn chế, còn xẩy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trong các cơ sở này.

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, một số vấn đề xã hội trong nước, hội nhập và toàn cầu hóa sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với công tác bảo vệ trẻ em. Phát triển số lượng và chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ là một trong những mục tiêu trong thời gian tới trong công tác bảo vệ trẻ em.

“Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, thiên tai bất thường là nguy cơ lâu dài và thường trực hàng năm làm gia tăng trẻ mồ côi, bị xâm hại, bóc lột, bị sao nhãng. Bảo vệ trẻ em cần được lồng ghép với các biện pháp ứng phó, cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai, thảm họa,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link