15/05/2020 15:21 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến 6 giờ ngày 15/5, Việt Nam bước sang ngày thứ 29 không có ca mắc mới trong cộng đồng, vẫn dừng ở con số 140. Trong tổng số 312 ca dương tính với SARS-CoV-2 vào thời điểm này có 172 ca “nhập cảnh”.
Trước đó, vào lúc 0h00 ngày 14/5, Hà Nội chính thức dỡ bỏ chốt kiểm soát COVID-19 đối với thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) sau 28 ngày cách ly. Điều này mang tính biểu tượng vì đây là ổ dịch cuối cùng ở Việt Nam tính đến thời điểm này, được “tẩy sạch” virus SARS-CoV-2.
Thành công chống dịch của Việt Nam được gọi là “kỳ tích” theo cách nhìn của các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài, trong đó có Đài phát thanh và Truyền hình Quốc gia Australia (ABC). Tuy nhiên, chúng ta vui mừng nhưng tuyệt đối không chủ quan.
Những dấu mốc trong cuộc chiến chống dịch
Ngày 23/1, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến trực diện với virus SARS-CoV-2 (lúc đó có tên gọi là virus nCoV). Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thông báo về hai bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam - hai cha con người Trung Quốc, trong đó người bố đã đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Chiều 27/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, gồm cả các biện pháp mà thế giới đã áp dụng và các biện pháp mới, để các ngành, địa phương triển khai tốt nhất, nhanh nhất, đồng bộ nhất nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh và Bộ Y tế hàng ngày có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh.
Ngày 29/1, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp ở Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Công văn nêu rõ, hiện nay dịch bệnh này chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, dịch đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao.
Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra trên toàn quốc.
Ngày 6/2, Việt Nam thực hiện biện pháp mạnh – quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên cả nước nghỉ học để phòng dịch.
Ngày 12/2, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - ổ dịch COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, được phong tỏa triệt để. Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất được thực hiện trong giai đoạn 1 của dịch bệnh theo chiến lược phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để.
Đến ngày 25/2, tất cả 16 ca nhiễm COVID-19 trong giai đoạn 1 ở Việt Nam đều được chữa trị khỏi bệnh.
Ngày 6/3, Việt Nam phát hiện ca bệnh số 17 mới từ Anh nhập cảnh vào Việt Nam. Ca bệnh này mở đầu cho giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19, giai đoạn liên tục có các ca dương tính với SARS-CoV-2 mang "yếu tố nhập cảnh".
Ngày 20/3, Việt Nam bước vào giai đoạn 3 trong việc phòng, chống dịch bệnh, khi virus đã lây lan trong cộng đồng. Ba ca mắc COVID-19 được ghi nhận mà không rõ nguồn lây, trong đó có một nữ điều dưỡng viên ở Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 21/3, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng lên con số 61, chủ yếu là người Việt Nam ở nước ngoài về hoặc người nước ngoài mới nhập cảnh vào Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22/3, đồng thời áp dụng biện pháp cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh.
Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, theo đó từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020 dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…
Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân "đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16/CT-TTg Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Trong tháng Ba và tháng Tư, UBND thành phố Hà Nội khoanh vùng nhanh, cách ly triệt để, truy dấu vết nguồn lây ở bốn ổ dịch mới là phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa); thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh); thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ổ dịch ở quán bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2) liên quan đến yếu tố dịch tễ ngoại nhập, cũng được áp dụng biện pháp tương tự. Cùng thời gian đó, tỉnh Ninh Thuận phong tỏa thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) có lịch sử dịch tễ liên quan đến yếu tố hành lễ tôn giáo. UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) quyết định phong tỏa thị trấn Đồng Văn và thôn Tả Kha (thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn) do liên quan đến bệnh nhân 268.
Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Các tỉnh, thành phố trong cả nước được chia làm ba nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp; mỗi nhóm áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời hạn khác nhau.
Chiều 22/4, Thường trực Chính phủ họp về phòng, chống dịch COVID- 19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với việc phân các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Theo đó, không một tỉnh, thành phố nào trong cả nước còn nằm trong nhóm nguy cơ cao, song thành phố Hà Nội có huyện Thường Tín, huyện Mê Linh thuộc nhóm nguy cơ cao và tỉnh Hà Giang có huyện Đồng Văn thuộc nhóm nguy cơ cao. Các địa bàn nằm trong nhóm nguy cơ cao tiếp tục áp dụng nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg.
Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước từ 0 giờ ngày 23/4. Đây là tiền đề để Việt Nam bước sang giai đoạn mới - chống dịch dài hơi, hay nói cách khác vừa chống dịch vừa ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này khẳng định thành quả của 90 ngày chống dịch quyết liệt ở Việt Nam.
Kỳ tích Việt Nam
Nước ta đạt được thành tích ngoạn mục trong việc phòng, chống dịch COVID-19 trước hết là nhờ chiến lược đúng đắn, nhất quán; phương châm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; hành động kịp thời, quyết liệt, “chống giặc như chống dịch”; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân với “94 triệu chiến sỹ diệt dịch”; bên cạnh đó là chiến thuật uyển chuyển, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn.
“Kỳ tích Việt Nam” được vun đắp từ những thành công nhỏ nhưng vững chắc theo diễn biến của dịch COVID-19.
Trong giai đoạn 1 (từ ngày 23/1 đến trước ngày 6/3), khi mới có 16 ca mắc, Việt Nam đặt ra mục tiêu chữa trị thành công cho các bệnh nhân, không để xảy ra ca tử vong. Đến ngày 25/2, tất cả 16 bệnh nhân COVID-19 đều được chữa trị khỏi bệnh, không có ca tử vong.
Trong giai đoạn 2 (từ ngày 6/3 đến ngày 20/3), khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 chạm mốc 100, mục tiêu của ngành y tế cũng như của toàn xã hội là giảm đà tăng của dịch, không để xảy ra “mô hình 9 ngày nhân 10 lần số ca nhiễm” như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 22/3 Việt Nam ghi nhận 100 ca mắc COVID-19 (không tính 16 ca trong giai đoạn 1), nếu áp đặt mô hình “9 ngày” vào việc dự báo dịch tễ thì trước ngày 1/4 chúng ta có khả năng có 1.000 ca mắc. Tuy nhiên, đến ngày 31/3 số bệnh nhân COVID-19 chỉ dừng lại ở con số 204, mức tăng rất chậm so với tình hình chung trên thế giới cũng như ở Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 3 (từ sau ngày 20/3), khi có các ca nhiễm trong cộng đồng, mất dấu F0, cách làm của Việt Nam là quyết liệt khoanh vùng dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ổ dịch đã được phong tỏa triệt để, số ca mắc COVID-19 dừng ở con số 140 (đến sáng 15/5). Các bệnh nhân cũng như các trường hợp F1, F2, F3 đều được cách ly ở những mức độ khác nhau.
Thành công của chiến lược khoanh vùng dập dịch và đặc biệt là chỉ thị giãn cách xã hội ở nước ta là chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng bị chặt đứt một cách bền vững.
Sáng 9/4, Bộ Y tế thông báo không có thêm ca mắc COVID-19 mới nào trong 24 giờ qua, tạm dừng ở con số 251 bệnh nhân. Nhưng đến sáng 10/4, ở nước ta lại có thêm 4 bệnh nhân được phát hiện và vào sáng 16/4, thêm một bệnh nhân nữa là cô gái 16 tuổi, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Tín hiệu lạc quan đến với mọi người Việt từ sau ngày hôm đó. Liên tục là thông tin "Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong một ngày", "Lần đầu tiên, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 nào trong 36 giờ", "4 ngày liên tục, Việt Nam không có ca nhiễm mới Covid-19", "Việt Nam 5 ngày không có ca mới", "Tròn 6 ngày không có ca mắc mới, dự kiến 6 bệnh nhân bình phục"… Và đến hôm nay là bước sang ngày thứ 29 nước ta không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng (không tính các ca nhiễm nhập cảnh).
Vui mừng nhưng không chủ quan
Việt Nam cơ bản khống chế được COVID-19 với 260 trường hợp khỏi bệnh trong tổng số 312 bệnh nhân. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn rất phức tạp - tính đến sáng 15/5, toàn cầu có 4.442.413 người mắc và 298.322 ca tử vong.
Không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng suốt gần một tháng nay, song các trường hợp mắc bệnh từ nước ngoài trở về Việt Nam tiếp tục tăng. Mới đây nhất, Sở Y tế tỉnh Thái Bình và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2, tất cả đều là hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Moskva (Liên bang Nga) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) lúc 4 giờ 40 sáng 13/5/2020.
Các chuyến bay chở người Việt Nam ở nước ngoài trở về vẫn được tiếp tục thực hiện. Ngày 14/5, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng Philippines thực hiện chuyến bay đưa gần 200 công dân Việt Nam từ Philippines về nước an toàn. Những công dân về nước trong đợt này là các trường hợp đặc biệt khó khăn như trẻ em chưa đến tuổi thành niên, trong đó có trẻ sơ sinh, phụ nữ đang mang thai, những người có bệnh nền, sinh viên không có nơi cư trú do ký túc xá đóng cửa, khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19: “Chúng ta vui mừng vì những con số biết nói cho thấy đến giờ phút này dịch bệnh được kiểm soát tốt, vui mừng vì nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, vui mừng vì học sinh được trở lại trường… Nhưng chúng ta không được quên rằng trên thế giới mỗi ngày có 5.000 người tử vong do dịch, có những nơi tưởng như đã kiểm soát được dịch nhưng dịch lại bùng lên.
Virus SARS-CoV-2 rất biến ảo, có những người khỏe mạnh không có triệu chứng nhưng dương tính với bệnh, có người âm tính nhiều lần rồi lại dương tính, có những người ủ bệnh rất lâu. Do đó, mọi người tuyệt đối không nên chủ quan”.
Trần Quang Vinh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất