Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2019: Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên dự đoán sẽ ít điểm 10

26/06/2019 14:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 26/6, các thí sinh kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh). Nhận xét về đề thi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, các giáo viên cho rằng, đề ra không "lắt léo", không đánh đố học sinh nhưng sẽ không có nhiều điểm 10.

Đề thi môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia 2019

Đề thi môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia 2019

Chúng tôi sẽ cập nhật đề thi và đáp án môn Sinh đề thi THPT Quốc gia 2019. Để có thông tin mới và sớm nhất, mời độc giả nhấn F5 để theo dõi...

Tỷ lệ điểm cao môn Sinh có thể nhiều hơn năm trước

Nhận xét về đề Sinh học, cô Nguyễn Phương Thanh, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng: Đề được sắp xếp từ dễ đến khó, số câu hỏi nhiều lựa chọn ít hơn đề năm trước, tạo thuận lợi, không gây áp lực tâm lý cho học sinh. Đề có nhiều hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, nhiều kiến thức thực tế giúp đánh giá nhiều kỹ năng của học sinh.

Nội dung đề bám sát chương trình sách giáo khoa, theo đúng hướng dẫn của Bộ, đảm bảo đánh giá tốt học sinh theo mức độ nhận thức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao. Trong đó, các câu nhận biết, yêu cầu kiến thức rất cơ bản, học sinh dễ dàng làm đúng các câu hỏi này.

Phổ điểm 5 - 6 học sinh dễ đạt được. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao rất đa dạng, yêu cầu học sinh vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng, đảm bảo tính phân hóa cao của đề. Tuy nhiên, các dạng bài tập không quá xa lạ với học sinh. Dự đoán, tỷ lệ điểm cao (điểm 8, điểm 9) sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Cùng chung nhận định, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) đánh giá: Đề thi có mức độ phân hóa cao, “dễ thở”, nhẹ nhàng. Mức độ khó của các câu hỏi tăng dần, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao. Đề có những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được khoảng 5 điểm để xét tốt nghiệp. Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải có kiến thức chắc chắn, có tư duy tổng hợp, khả năng liên hệ thực tế, có kỹ năng làm bài tốt mới làm được bài ở mức điểm cao. Theo cô Nga, tỷ lệ điểm cao sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Chú thích ảnh
Thí sinh làm bài thi. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Vật lý – khó đạt điểm 10

Với môn Vật lý, thầy Triệu Lê Quang, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Asterdam nhận xết: Đề đảm bảo tính chính xác, khoa học, rõ ý, trong đó 16 câu đầu dễ dàng đối với học sinh học có kiến thức cơ bản, 16 câu tiếp theo, học sinh có học lực khá có thể làm tốt. 4 câu tiếp theo dành cho học sinh ở mức độ giỏi. Bốn câu cuối cùng là những câu “siêu khó” đối với học sinh.

Những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu dễ, những câu khó có tính mới nhưng nặng về thuật toán, không nặng về vật lý. Hơn 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11 thuộc mức độ vận dụng. Không có câu trong chương trình lớp 10. Những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu hỏi dễ.

Với học sinh có học lực trung bình có thể đạt 4-5 điểm; học lực khá đạt 7-8 điểm; để đạt 9-10 điểm là khó. Đề thi năm nay chủ yếu thuộc chương trình lớp 12.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội): Đề Lý phân hóa cao trình độ học sinh. Các câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản (nhận biết và thông hiểu) và các câu hỏi ở phần vận dụng (vận dụng thấp và vận dụng cao) được phân biệt khá rõ (đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi 2 trong 1).

Các câu hỏi trong đề được sắp xếp từ dễ đến khó. Những câu hỏi ở phần nhận biết và thông hiểu dễ, ngắn gọn, nên học sinh đạt điểm 5-6 không khó. Những câu để lấy điểm 9-10 phân bố đều trong chương trình lớp 12, nhưng chủ yếu tập trung ở phần cơ và điện, có độ khó cao. Học sinh có lực học tốt phải mất nhiều thời gian biến đổi, nên đạt điểm 10 là khó.

Đặc biệt, có 4 câu về đồ thị và hình ảnh, những câu hỏi này không những yêu cầu về nội dung kiến thức, còn kiểm tra được kỹ năng vận dụng của học sinh, phù hợp cho định hướng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự đoán về phổ điểm, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Điểm 10 có ít, các bài dưới điểm 1 cũng ít hơn năm trước, chủ yếu có thể nhiều học sinh đạt điểm từ 4, 5 đến 6,5 điểm.

Chú thích ảnh
Thí sinh trao đổi kết quả bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên tại điểm thi trường THPT Chuyên Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy- TTXVN

Hóa học - đòi hỏi nắm được bản chất và vận dụng kiến thức

Đánh giá về đề Hoá học, thầy Đặng Xuân Chất, Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Nội) nhận xét: Cách ra đề khá mới, tập trung chủ yếu vào phần kiến thức lớp 12, không có kiến thức thuần lớp 10 (giống như đề minh họa).

Số lượng câu dễ khoảng 24-25 câu đầu tiên, số lượng câu cực khó giảm so với đề năm 2018 tập trung vào các câu hỏi cuối đề thi. Cách phân loại trong câu hỏi lí thuyết vẫn là dạng câu hỏi đếm, câu đồ thị rơi vào phần bài tập điện phân hỗn hợp 2 muối là phần học sinh khá “ngại” nên dự đoán nhiều học sinh sẽ bỏ phần này.

Đề thi năm nay chú ý nhiều hơn đến ứng dụng thực tế và thí nghiệm (câu hỏi thí nghiệm không ra dưới dạng hình ảnh như học sinh thường tưởng tượng) yêu cầu học sinh cần hiểu được bản chất và bình tĩnh đọc kĩ đề mới có thể hoàn thành được bài thi.

Dự kiến phổ điểm môn hóa năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Điều này đã được dự đoán từ trước do cách tiếp cận của Bộ với mục tiêu xét tốt nghiệp, cách tính điểm tốt nghiệp là 70% điểm thi, 30% điểm tổng kết thay cho 50-50 như năm trước.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa của Bộ. Học sinh dễ dàng đạt được 5-6 ở mức nhận biết và thông hiểu. Đề không có yếu tố bất ngờ vì học sinh đã được cọ xát thông qua đề thi tham khảo của Bộ, khảo sát của Sở và thi thử của trường.

Đề thi năm nay có câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, không đánh đố, học sinh không mất nhiều thời gian để đọc đề. Đề có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế về sinh thái, môi trường, sản xuất… Trong đó, có khoảng 5-6 câu có nhiều đáp án và học sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức, có tư duy mới có thể giải quyết được vấn đề.

Đối với đề thi này, học sinh để đạt được điểm 10 là khó nhưng đạt điểm 9 là có khả năng. Với thời gian 50 phút và mức độ đề như thế này, học sinh phải kiến thức thật chắc, thật sâu và có “tinh thần thép” mới có thể đạt điểm tối đa.

10 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, sáng 26/6, tổng số thí sinh đến dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên như sau: Môn Vật lí 335.070 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,6%; Môn Hóa học 338.928 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,56%; Môn Sinh học 333.951 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,66%.

Trong sáng 26/6, trên cả nước có 10 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế; không có cán bộ nào vi phạm. Công tác tổ chức thi diễn ra thuận lợi, an toàn, các cán bộ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và kỷ luật trường thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra, động viên cán bộ coi thi và thí sinh tại một số địa phương như: Long An, Tuyên Quang, Tiền Giang, Bắc Kạn, Quảng Nam…

Việt Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link