Môi trường biển 4 tỉnh Miền Trung cơ bản an toàn

22/08/2016 14:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh Miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế) sau hiện tượng hải sản chết hàng loạt trong tháng 4 vừa qua.

Chủ trì Hội nghị có các ông: Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Châu Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển Miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4/2016, được sự chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung.

Các đơn vị tham gia với sự chứng kiến của đại diện các địa phương đã triển khai nhiệm vụ được giao với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở khoa học, đảm bảo đúng yêu cầu của các quy trình, phương pháp theo quy định của Việt Nam và phù hợp với quốc tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Các kết quả của báo cáo đã đảm bảo được tính chính xác, trung thực phù hợp với quy trình tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cũng như quốc tế.

Đến thời điểm này, môi trường các khu vực biển thuộc 4 tỉnh Miền Trung đã cơ bản an toàn. Ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp trong công tác đối với báo cáo đánh giá về kết quả điều tra, mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, trên cơ sở những ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học, các vị đại biểu tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương liên quan, tiếp tục theo dõi, giám sát để trong thời gian tới có kết luận cuối cùng về sự an toàn của các vùng biển khu vực nói trên, đảm bảo sự phát triển kinh tế, đời sống sản xuất cũng như sức khỏe của nhân nhân.


Cá chết hàng loạt giạt vào bờ biển miền Trung những ngày tháng 4/2016

Đánh giá, nghiên cứu toàn diện về hiện trạng môi trường biển

Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm nghiên cứu “Hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế” đã trình bày quá trình nghiên cứu và quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển, các hệ sinh thái trên biển và ven biển 4 tỉnh Miền Trung bằng quy trình, phương pháp khoa học hợp lý.

Theo đó, đánh giá về diễn biến chất lượng nước biển trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), đồng thời so sánh, đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam cho thấy diễn biến chất lượng nước biển về cơ bản các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép.

Đặc biệt, về giá trị các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) biến động như sau: Đối với sắt, kết quả quan trắc tháng 5/2016 có 3,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, giá trị cao nhất quan trắc được ở bãi tắm Kỳ Ninh (Hà Tĩnh) là 0,9 mg/l. Mức độ ô nhiễm cao nhất ở Hà Tĩnh và giảm dần vào đến Thừa Thiên-Huế. Kết quả quan trắc tháng 6/2016 chỉ còn 1,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, song giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Các mẫu vượt giới hạn tập trung ở vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế.

Như vậy, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống. Hàm lượng xyanua trong nước tháng 5/2016 dao động từ 0,002 - 0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6/2016 (giá trị cao nhất là 0,002 mg/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng thông số tổng phenol trong nước biển tháng 5/2016 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp.

Nhưng đến tháng 6/2016 hàm lượng tổng phenol trong nước tăng lên và có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Đến thời điểm hiện nay (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng 8/2016), hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Về diễn biến chất lượng trầm tích biển trên cơ sở kết quả phân tích của 29 mẫu trầm tích (tháng 5) và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích (tháng 6), so sánh, đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam cho thấy diễn biến như sau: Về cơ bản các thông số được quy định trong quy chuẩn Việt Nam đều có giá trị nằm trong giới hạn.

Bên cạnh đó, hàm lượng tổng phenol có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian. Trong tháng 5/2016, hàm lượng tổng Phenol cao lên tới 6 – 12,5 mg/kg (giá trị cao nhất là 16,98 mg/kg), đến tháng 6 chỉ còn khoảng 0,35 – 1,2 mg/kg (giá trị cao nhất là 5,05 mg/kg). Hàm lượng xyanua, kết quả cũng tương tự, tháng 5/2016 giá trị trong khoảng 0,16 – 0,3 mg/kg (giá trị cao nhất là 0,5 mg/kg), đến tháng 6/2016 giảm xuống khoảng 0,11 – 0,21 mg/kg (giá trị cao nhất là 0,39 mg/kg).

Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà-Thừa Thiên-Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

Diễn biến tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt: Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp phụ các độc tố phenol, xyanua… được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác trong vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, với tổng cộng 63 điểm khảo sát.

Kết quả cho thấy vào thời điểm khảo sát tháng 4 và tháng 5/2016, trên bề mặt đá và các rạn san hô, thậm chí trên nền các loại nền đáy khác có hiện tượng lớp bột màu vàng phủ bám. Kết quả phân tích tháng 5/2016 hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt có giá trị cao, dao động trong khoảng 3,80 - 7,79 ppm, trong đó khu vực hòn Sơn Dương và Hải Vân là những khu vực có hàm lượng phenol cao nhất.

Vào thời điểm khảo sát tháng 6 và 7/2016, vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng bám trên bề mặt đá, rạn san hô và các khe đá tại các khu vực có rạn san hô và rạn đá ngầm, nhưng lớp màng bám này đã giảm đi nhiều so với thời điểm khảo sát tháng 4 và 5/2016. Trên nền đáy bùn và đáy cát hầu như không còn phát hiện được lớp màng bám này.

Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt ở 9 khu vực được khảo sát đã giảm mạnh trong giai đoạn tháng 6 và 7/2016, dao động trong khoảng 0,32 – 1,75 ppm. Điều này cho thấy, phenol trong màng bám hệ keo sắt đã được nhả hấp thụ vào nước. Nhiều nơi hàm lượng phenol đã giảm trên 90% so với tháng 4 và 5/2016 (hòn Sơn Dương, Chân Mây, Sơn Chà, Hải Vân).

Đến thời điểm khảo sát tháng 6 và tháng 7/2016, hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt trên các rạn san hô khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn cao hơn so với khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Khu vực Cồn Cỏ - Quảng Trị, do nằm cách xa đất liền (cách bờ 27 km), nên hàm lượng phenol có giá trị thấp nhất (nhỏ hơn 0,01ppm).

Diễn biến các hệ sinh thái theo chương trình khảo sát, đánh giá các hệ sinh thái thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng, biến động các hệ sinh thái biển ven bờ và nguồn lợi thủy sản cũng như khả năng phục hồi sau sự cố môi trường.

Kết quả phân tích của 3.156 mẫu vật được thu thập thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển, thực vật ngập mặn và rong cỏ biển cùng với các hình ảnh và video clip quay dưới nước cho thấy: Trong tháng 4 và 5/2016, các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Điển hình là các khu vực rạn: Hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh (điểm đầu), tỷ lệ san hô chết cao nhất khoảng 90%, Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà – Thừa Thiên - Huế (điểm cuối), tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%.

Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp, thấp nhất là Hòn Sơn Dương, Hòn Nồm. Rải rác có bắt gặp các loài cá kinh tế chết trong các hang, hốc san hô. Đến giai đoạn tháng 6 và 7/2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư, phát triển trên nền đáy rạn (rạn san hô khu vực Hòn Nồm, Hải Vân, Sơn Chà). Khu vực đảo Hòn La vẫn còn điểm san hô phát triển khá tốt. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao hơn hẳn giai đoạn trước.

Hiện trạng môi trường biển có dấu hiệu hồi phục tích cực

Dựa trên những kết quả trên, Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận đưa ra những kết luận chính sau: Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của quy chuẩn Việt Nam, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi biển, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía đông Nhật Lệ, hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Hệ sinh thái dạng sinh thái, có biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh về cả đa dạng sinh học và quy mô nay đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực.

Bên cạnh đó, về chất lượng hải sản đánh bắt theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 28/4/2016-8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Mặt khác, đề nghị tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển ven bờ khu vực Miền Trung và giám sát nguồn tác động từ các dự án, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc, giám sát trên biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh; kết nối dữ liệu xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện địa trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư trong việc giám sát các nguồn thải xả ra môi trường. Các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực Miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Sự tham gia của các cấp, các ngành cũng như cộng đồng dân cư trong việc giám sát các nguồn thải xả ra môi trường biển, nâng cao chất lượng môi trường, cũng cần được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển 4 tỉnh Miền Trung.

Tại Hội nghị, các giáo sư, tiến sỹ trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến về hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Mặt khác, đại diện lãnh đạo 4 tỉnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Tỉnh Quảng Bình yêu cầu giám sát chặt chẽ Công ty Formosa trong quá trình hoạt động cũng như những khuyến cáo cụ thể để người dân được biết khu vực nào an toàn, khu vực nào chưa an toàn để tắm biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn cần có những nghiên cứu tiếp theo để đưa ra những dự báo cho người dân được biết.

Thắng Trung-Trần Tĩnh-Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link