Ngày Tết, mướt mồ hôi trực cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai

31/01/2017 14:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Có tận mắt chứng kiến công việc bận rộn của các bác sĩ trực cấp cứu trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu này, mới thực sự thấm thía nỗi vất vả của những chiến sĩ áo trắng.

Mới đầu năm nhưng các khoa, phòng của BV Hữu Nghị Việt Đức hầu như đều quá tải, các bác sĩ, điều dưỡng đều phải gắng sức làm việc hơn thường ngày vì lượng bệnh nhân gia tăng hơn thường lệ.

Cụ thể, từ 29 tháng Chạp đến 3 Tết Nguyên đán Đinh Dậu (26 - 30/1/2017), Bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu, phẫu thuật, chăm sóc điều trị hơn 800 trường hợp tai nạn, chủ yếu do tai nạn giao thông.


Ngày mùng 3 Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quá tải cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông nặng từ các địa phương chuyển tuyến. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Phần lớn số bệnh nhân này đều bị chấn thương sọ não, đa chấn thương, liên quan đến sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc chở xe máy 3 - 4 người. Đặc biệt, số người bị tai nạn tại tuyến đường cao tốc, giao thông liên huyện, liên xã vùng nông thôn tăng đột biến. Cũng vậy nên, 5 bàn mổ của Bệnh viện Việt Đức luôn phải hoạt động hết công suất, liên tục cả ngày lẫn đêm.

Trong những ngày nghỉ Tết, Giám đốc Bệnh viện Trần Bình Giang trực tiếp nhiều lần kiểm tra đột xuất các kíp trực, động viên tinh thần các y, bác sĩ đi làm trong những ngày Tết và đến từng giường bệnh hỏi thăm các bệnh nhân.

Ông Trần Bình Giang cho biết, Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối, nhiều bệnh nhân nặng nên đòi hỏi các bác sĩ không một phút lơ là. Do đo, tại đây hầu không có nghỉ Tết, lúc nào các y, bác sĩ cũng phải động viên nhau làm việc.

Tương tự, khoa Cấp cứu , Bệnh viện Bạch Mai, từ 29 Tháng Chạp đến mùng 3 Tết, cũng kín bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng cấp cứu tăng mạnh so với ngày thường, các ca bệnh chủ yếu do đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp; hoặc ngộ độc do thực phẩm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu . Đáng nói, nhiều bệnh nhân trẻ trong độ tuổi lao động, một số trường hợp phải xin về vì tiên lượng sẽ tử vong...


Nhiều bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do sử dụng quá nhiều rượu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Trong 5 ngày qua, khoa đã tiếp nhận cấp cứu gần 300 ca trong tình trạng rất nặng, nhiều bệnh nhân trong số đó bị xuất huyết tiêu hóa do sử dụng quá nhiều rượu. 

Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, chia sẻ, đầu năm mới, cứ tưởng dân tình mải ăn chơi nên “quên ốm”, các y, bác sĩ sẽ có thời gian chúc mừng nhau đầu Xuân. Nhưng trong kíp trực, suốt từ đầu sáng tới cuối chiều, không lúc nào các y, bác sĩ ở đây được ngơi tay.

Chuyện nhân viên y tế khoa Cấp cứu đến giữa giờ chiều mới ăn bữa trưa vì vậy cũng không còn là chuyện lạ trong những ngày đầu năm mới. Những khi bệnh nhân vào dồn dập, cả y, bác sĩ và nhân viên dọn vệ sinh đều bị cuốn theo công việc, áp lực, căng thẳng, gấp gáp và bận đến mướt mồ hôi. Ai nấy đều cố gắng tận dụng từng giây từng phút để điều trị, cứu chữa cho người bệnh. Lúc ấy, khoa phòng bệnh viện thực sự là một “chiến trường” chật kín bệnh nhân, máy móc, dịch truyền y tế, còn người thầy thuốc là những “chiến sĩ”, làm việc không ngừng vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Tại Bệnh viện E, bác sĩ Lê Việt Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, cũng cho hay, năm nay, ước tính, bệnh nhân nhập viện cũng tăng hơn năm ngoái với đủ các mặt bệnh như: Chấn thương sọ não do sử dụng bia rượu gây tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, đánh nhau…

Kíp trực nào thì các y, bác sĩ nào đều phải căng mình phục vụ bệnh nhân. Đã nhiều năm, phải chứng kiến và trực tiếp cấp cứu những ca tai nạn giao thông thương tâm nên mỗi lần như vậy là thêm một lần các y bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện E luôn cảm thấy đau đớn và nuối tiếc cho người bệnh.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực Phạm Hồng Đông chia sẻ: Ở Khoa Hồi sức tích cực thì sự sống và cái chết cũng chỉ có ranh giới mong manh, bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vì thế, có những hôm trực, điều dưỡng không được nghỉ ngơi, phải đứng bên giường bệnh nhân theo dõi… 20 giờ/ngày, chỉ dám nghỉ 1 - 2 giờ khi “nhờ” được điều dưỡng khác thay thế. Nhưng chúng tôi đều xác định rõ đã làm ngành y thì công việc là vậy. Chỉ mong người dân xác định và tránh được những nguy cơ như ngộ độc rượu, tai nạn… để bảo vệ bản thân, không phải nhập viện trong những ngày đầu năm mới.

Theo Hà Linh - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link