02/08/2018 16:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, để nhìn nhận lại những mặt được, những mặt còn bất cập của năm học cũ, đưa ra kiến nghị, đề xuất giải quyết bất cập trong lộ trình đổi mới giáo dục.
Cởi mở, minh bạch để tạo đồng thuận cao
Phát biểu chỉ đạo tạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Năm 2018 là năm thứ 5 nước ta thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm qua, có thể thấy những điểm đổi mới chung của đất nước, trong đó có giáo dục đạt được kết quả khá rõ. Đánh giá chung là hướng đi chọn đã đúng, có những khâu, lĩnh vực thì lộ trình đảm bảo, có những khâu được đẩy nhanh nhưng cũng có khâu, lĩnh vực còn chậm.
Năm 2017 tự chủ về chương trình của các trường rõ ràng có chuyển biến, cách dạy và học có chuyển biến khá rõ, đương nhiên chuyển biến này đòi hỏi phải có quá trình. Tự chủ đại học từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay đã tiến bộ nhiều, có 24 trường đã thí điểm, nhiều trường đang đợi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định để thực hiện tự chủ, coi việc tự chủ dần trở thành bình thường. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng đã giao cho 3 trường đại học mà Bộ làm chủ quản lập đề án thí điểm cao hơn là không còn bộ chủ quản...
Về cấp mầm non tư thục, năm qua dù còn nhiều khó khăn nhưng ở một số thành phố, vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nơi có nhiều khu công nghiệp, được chú ý hơn. Hơn 300 trường, nhóm lớp tư thục được bổ sung.
Nghị quyết 29 ra đời năm 2013 có nhiều điểm cần lưu ý, nhưng theo Phó Thủ tướng có 2 điểm xuyên suốt mà ngay trong năm học 2018-2019 cần tiếp tục thực hiện, những việc chưa làm cần phải làm thật nghiêm túc. Đó là, đổi mới giáo dục là một quá trình, từ việc như thi cử cũng phải có lộ trình, làm từng bước. Trong lộ trình ấy, không có giải pháp nào là hoàn hảo, nên phải rất khoa học, cầu thị, kiên trì những gì đã đúng. Hơn nữa, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, nhà trường, xã hội, mà cũng phải đặt trong bối cảnh phát triển chung của đất nước, kinh tế - xã hội, thói quen truyền thống…, phải cân đối giữa các mặt lợi ích. Thứ hai là trong quá trình đổi mới phải kiên định, đi theo xu hướng của thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm... mà xoay lại, đi ngược xu thế. Ví dụ như tự chủ đại học là xu thế, còn bậc phổ thông thời gian tới cần thay đổi cách quản trị, bớt xu hướng hành chính…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Quá trình đổi mới giáo dục được toàn xã hội quan tâm, theo dõi sát sao và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Đây là điều rất may mắn cho những người làm giáo dục. Ngành giáo dục cần tạo các diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến đa chiều từ nhiều góc độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội với những ý kiến mang lại lợi ích chung. Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đây là kinh nghiệm quý mà ngành giáo dục phải thực hiện; có đồng thuận thì mới nhận được sự ủng hộ thực hiện. Giáo dục là vấn đề của từng gia đình, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội, khi đồng thuận thì ngành giáo dục mới huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy đổi mới lên.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực của đội ngũ các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần cầu thị, thẳng thắn nhìn vào thực tế để có đánh giá đúng. Trong hơn 1 triệu thầy cô giáo đa phần đều gương mẫu, nhưng số không gương mẫu không phải là ít. Từ xin điểm làm đẹp học bạ, đến dạy thêm, học thêm có phải là từ các thầy cô không gương mẫu? Trong năm học này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất định phải phát động chương trình để các thầy cô giáo thi đua gương mẫu, ai vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành. Khi sa thải một người ra khỏi ngành, dù tác động không tốt đến cá nhân người đó và gia đình, nhưng không thể vì thế mà làm ảnh hưởng tới cả một thế hệ…
Thẳng thắn nhận định rõ bất cập
Trong năm học 2017-2018, toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong năm học vừa qua. Trong đó, việc sắp xếp mạng lưới, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu và lạc hậu. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chưa đủ giáo viên mầm non và giáo viên các môn chuyên biệt ở cấp học phổ thông.
Tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, trong đó có việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không đảm bảo lộ trình đề ra. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông còn hạn chế. Việc dạy thêm, học thêm và lạm thu vẫn chưa được giải quyết triệt để do chưa có chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề này. Tự chủ đại học còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều.
Đặc biệt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Công tác tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót. Đề thi chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thi Trung học Phổ thông quốc gia, trong đề thi còn có một số câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến bị lợi dụng để thay đổi kết quả thi, công tác thanh kiểm tra giám sát của Bộ đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục ổn định những hoạt động đổi mới của ngành, đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó, giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.
Giáo đục đại học tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng...
TTXVN/Thanh Giang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất