06/10/2018 11:06 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trong mỗi chuyến du lịch, du khách đều mong muốn được tìm hiểu nét văn hoá tiêu biểu của địa phương, thưởng thức món ẩm thực đặc trưng vùng miền và mua những sản phẩm lưu niệm để ghi lại dấu ấn chuyến đi.
Tuy nhiên, không phải đến vùng đất nào du khách cũng được thoả mãn các nhu cầu trên. Xác định việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển toàn diện, ngành du lịch Phú Thọ đã có nhiều giải pháp thực hiện.
Để có một tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn dành cho du khách, doanh nghiệp lữ hành thường "thiết kế" rất nhiều dịch vụ như: Phương tiện vận chuyển, điểm tham quan du lịch, khám phá tài nguyên du lịch, trải nghiệm nét văn hoá đặc sắc, thưởng thức ẩm thực, phòng nghỉ, khu mua sắm sản phẩm lưu niệm – sản vật vùng miền… Trong đó, mua sắm “sản phẩm lưu niệm, sản vật vùng miền” là một thành phần không thể tách rời của tour du lịch, góp phần tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm du lịch, tăng doanh thu cho điểm đến và phát triển kinh tế địa phương.
Để du khách sẵn sàng chi trả cho việc mua sắm sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật vùng miền, các sản phẩm lưu niệm cần có sức hấp dẫn, cần có nét văn hoá đặc trưng, sử dụng nguyên liệu hoặc sản xuất tại chỗ, có công dụng hữu ích với đời sống, giúp chữa bệnh, làm đẹp, ẩm thực, trang phục…Thêm nữa, các sản phẩm cần có bao bì phù hợp, mẫu mã đẹp và đảm bảo chất lượng.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư trung tâm mua sắm sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh. Trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến Quốc lộ 2 qua địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có các điểm dừng chân dành cho du khách, tuy nhiên lượng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ được giới thiệu rất hạn chế; các khu du lịch có bố trí cửa hàng mua sắm và giao khoán cho các hộ kinh doanh nhỏ tự chủ, vì vậy các sản phẩm bày bán chủ yếu nhập từ địa phương khác và sản phẩm nguồn gốc Trung quốc.
Một số sản phẩm như: Phiên bản Trống đồng, các sản phẩm chè Phú Thọ, rượu nếp Xuân Sơn, rượu Hùng Vương, sản phẩm mạ vàng Hoàng Phúc, trầm hương Phúc Minh, tinh dầu quế Yên Lập, thịt chua Thanh Sơn, bánh chưng bánh dày, tương truyền thống, bánh chè lam Đền Hùng, bánh làng Dòng, chuối sấy, bưởi Đoan Hùng, nón lá Gia Thanh… được giới thiệu tại các khu du lịch. Đây là những sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng đất Tổ, sử dụng nguyên liệu tại các làng nghề địa phương, được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay tại Phú Thọ, công tác trưng bày, quảng bá chưa tập trung nên sức tiêu thụ còn hạn chế.
Các hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh đã tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm địa phương. Các doanh nghiệp, làng nghề đã chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu rộng rãi tại các thị trường trong nước nên sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo được sức hấp dẫn với người tiêu dùng và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, số lượng mặt hàng và lượng tiêu thụ còn thấp, quy mô còn nhỏ, chưa khai thác được nhiều sản phẩm các làng nghề, sản vật đặc trưng trên địa bàn tỉnh do các mẫu thiết kế và bao bì chưa đảm bảo.
Công tác phát triển thị trường cho sản phẩm lưu niệm, quà tặng và sản vật đặc trưng còn hạn chế, các đầu mối tiêu thụ chủ yếu còn đơn lẻ và tính liên kết thị trường yếu, ít sản phẩm được liên kết chuỗi.
Trường Đại học Hùng Vương đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương đất Tổ”. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm, hệ thống hóa những biểu tượng đặc trưng của văn hóa Hùng Vương được thể hiện qua các sản phẩm như: Bình gốm, cốc sứ, đĩa, đồ trang sức vàng, bạc và bộ truyện tranh, các trang phục như áo, khăn được vẽ trực tiếp trên chất liệu lụa truyền thống… Từ năm 2015-2018 , các sản phẩm lưu niệm nghiên cứu được giới thiệu trong dịp Lễ hội Đền Hùng để thăm dò thị trường đã nhận được những phản hồi tích cực. Tuy nhiên, đây là dự án sản xuất thử nghiệm nên sản phẩm đưa ra thị trường chưa nhiều. Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Cổ phần đầu tư và Du lịch Đất Việt Xanh cũng đã sản xuất sản phẩm khăn lụa “Hơi ấm mẹ Âu Cơ” với hoạ tiết văn hóa Hùng Vương, được du khách đón nhận.
Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ, để đưa những sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh đến du khách, góp phần tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển toàn diện ngành Du lịch, thời gian tới, ngành Du lịch Phú Thọ sẽ thực hiện tốt một số giải pháp sau: Các địa phương, ngành liên quan tăng cường khuyến khích việc sản xuất sản phẩm lưu niệm ưu tiên dựa vào các làng nghề, sản vật và sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sử dụng lao động địa phương; thiết kế mẫu mã, bao bì và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó tại các khu du lịch như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, thành phố Việt Trì … cần bố trí, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm giới thiệu tập trung sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh giúp du khách dễ dàng tiếp cận và mua sản phẩm. Ngành chuyên môn cần có định hướng và tổ chức hoạt động liên kết để các cửa hàng kinh doanh tiếp cận được với người sản xuất sản phẩm trên địa bàn tỉnh, từ đó chủ động liên kết thực hiện việc tiêu thụ tại các khu du lịch.
Tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực phát triển thị trường cho người phụ trách phân phối, tiêu thụ sản phẩm làng nghề, hợp tác xã sản xuất sản phẩm… giúp công tác phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh được chủ động, tích cực hơn. Công tác liên kết xúc tiến giữa Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và các cơ sở sản xuất được triển khai sâu, rộng hơn.
Tỉnh tạo điều kiện để các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hơn tại các hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh, nhằm tăng cường liên kết mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Thời gian qua, du khách trong nước và quốc tế đã nhiệt tình đón nhận các tour du lịch về làng nghề chế biến thực phẩm tại Hùng Lô, làng rau an toàn Tân Đức (Việt Trì), làng nghề nón lá Gia Thanh (Phù Ninh), cơ sở sản xuất đặc sản thịt chua (Thanh Sơn), làng nghề làm tương và đan lát tại Thanh Thủy…; qua đó tham quan mua sắm nhiều sản phẩm lưu niệm. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành về việc xây dựng các điểm du lịch dựa trên các làng nghề để phục vụ nhu cầu du khách, góp phần đưa du lịch của tỉnh phát triển hơn.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức thường niên một số lễ hội gắn với vùng nuôi trồng, sản xuất lớn các đặc sản của tỉnh như: Chè Phú Thọ, bưởi Đoan Hùng… nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, thúc đẩy sản xuất sản phẩm phục vụ du khách, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm dựa trên nguyên liệu tại địa phương, khuyến khích các dịch vụ bổ sung tại chỗ phát triển theo.
Tỉnh Phú Thọ cũng đã có kế hoạch tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm du lịch Phú Thọ” dành cho các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, cá nhân quan tâm, thiết kế nhiều sản phẩm có sử dụng nguyên liệu, đặc sản địa phương và người lao động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng hằng năm sẽ trưng bày giới thiệu các sản phẩm lưu niệm tiêu biểu đến đến du khách thập phương, giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch vùng Đất Tổ tới du khách.
Trung Kiên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất