20/07/2019 12:04 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Loài ngoại lai xâm hại là một trong các nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học và gây tổn thất tới nhiều ngành kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp. Thời gian qua, có nhiều vụ việc buôn bán, nhập khẩu, phát triển trái phép loài ngoại lai xâm hại ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt gần đây là vụ việc tôm hùm nước ngọt.
Việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại có sự tham gia của nhiều ngành, cấp, song nhận thức và năng lực quản lý còn hạn chế. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết làm rõ thực trạng này.
Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, số lượng sinh vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh. Đáng lo ngại là có trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra hệ lụy nặng nề, đang tác động trực tiếp lên đa dạng sinh học của Việt Nam.
Xâm hại hệ sinh thái tự nhiên
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% số tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, mai dương, trinh nữ móc, cá lau kính. Trong số này, loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Cây mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh, thành phố. Nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Nhập ốc bươu vàng nhằm mục đích phát triển kinh tế là một bài học. Sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành Nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng.
Bên cạnh việc phát triển có chủ đích các loài ngoại lai xâm hại, hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập vào theo các con đường tự nhiên. Cây mai dương có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước. Bọ cánh cứng hại dừa được phát hiện vào năm 1999 ở tỉnh Bến Tre và nay đã gây hại cho hơn 30 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ngoài ra, loài rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt...cũng là những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.
Mới đây nhất là trường hợp tôm hùm nước ngọt. Đây là loài động vật có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thuỷ sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành công nghiệp đánh bắt cá... Loài này đã được ghi nhận xâm lấn tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mê-hi-cô, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...
Việc phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật vẫn đi sau cơ quan truyền thông
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc phát hiện các vụ việc liên quan đến sinh vật ngoại lai của các cơ quan thực thi pháp luật, quản lý nhà nước vẫn đi sau cơ quan truyền thông. Từ tháng 5/2019, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải các thông tin về tình trạng buôn bán, các tác động của tôm hùm nước ngọt với môi trường, đa dạng sinh học và khuyến cáo người dân không nên buôn bán, tiêu thụ loài này.
Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chuyên gia xác định tên khoa học của loài tôm hùm nước ngọt là Procambarus clarkia, không phải là loài tôm càng đỏ như trong văn bản hoả tốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát tôm càng đỏ tại Việt Nam. Tuy vậy, vẫn chưa đánh giá được trên thị trường có xuất hiện loài tôm càng đỏ hay không vì chưa thu được mẫu vật của loài này.
Loài tôm hùm nước ngọt thuộc Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Loài này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường, các cơ quan báo chí về thông tin nhận dạng, tác hại, các biện pháp kiểm soát của loài tôm hùm nước ngọt và các chế tài liên quan để các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân kiểm soát loài này; gửi văn bản số 2417/BTNMT-TCMT ngày 27/5/2019 tới các cơ quan chức năng: Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan, Cảnh sát Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt; thực hiện kiểm tra tình hình thực tế kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và tôm hùm nước ngọt tại tỉnh Lạng Sơn cuối tháng 5/2019… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 3438/BNN-TCTS ngày 17/5/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ. Ngay sau đó, các địa phương trên cả nước và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán tôm hùm nước ngọt; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Trong tháng 5/2019, các cơ quan chức năng của một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp bắt giữ các lô hàng nhập khẩu và vận chuyển trái phép tôm hùm nước ngọt vào Việt Nam. Lực lượng Hải quan và Biên phòng Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ, thu 945kg tôm tại cửa khẩu. Lực lượng Cảnh sát Giao thông Lạng Sơn đã phát hiện vụ vận chuyển 45kg tôm hùm nước ngọt còn sống. Tại Hà Giang, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy phối hợp với Trạm kiểm soát Biên phòng tuần tra và phát hiện, thu giữ 1 thùng xốp bên trong có chứa 6kg tôm hùm nước ngọt tươi sống được bỏ lại ở bờ kè sông Lô. Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã phát hiện 7kg tôm hùm nước ngọt tại các hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy tại các địa phương, tình hình đã được kiểm soát. Tháng 6/2019, không còn ghi nhận các vụ buôn bán, nhập khẩu trái phép loài tôm hùm nước ngọt.
Bài 2 - Tăng cường kiểm soát và nâng cao nhận thức
Minh Nguyệt/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất