19/08/2017 08:37 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trước việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng đang từ mức 10% lên 12% từ năm 2019 hoặc tăng lên 14% từ năm 2021, rất nhiều quan điểm không đồng tình vấn đề này, đồng thời khuyến nghị Bộ Tài chính cần thận trọng khi điều chỉnh sắc thuế.
Lợi bất cập hại
Thuế VAT là nguồn thuế gián thu nhưng ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vì vậy, dư luận lo ngại việc tăng thuế thì giá cả hàng hóa tăng, sẽ tác động đến đời sống người dân và cả nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế trực thu tập trung vào đối tuợng người giàu, người có thu nhập cao và thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến thì sẽ bình đẳng hơn.
Do vậy, ông Vũ Thanh Tú Anh, chuyên gia giảng dạy tại Fulbright nói: “Cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT. Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính 'lũy thoái', do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”.
Chuyên gia kinh tế Tú Anh cũng nêu thêm: Hiện tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. “Điều này cho thấy, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
“Người kinh doanh cần có môi trường kinh doanh có thể dự báo, tiên liệu trước. Nếu cứ bất chợt bị tăng thuế thì phương án kinh doanh sẽ bị thay đổi do chi phí, giá cả tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Hàng hóa tăng giá người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn, khi phần lớn tiền phải dùng cho chi tiêu thiết yếu, ngược lại sẽ khiến doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo. Như vậy là lợi bất cập hại”, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói.
Việc "bầu sữa" NSNN đang đứng trước nhiều áp lực, đặc biệt là giảm thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế khiến nguồn thu sụt giảm nên Bộ Tài chính tìm các kênh để bù hụt thu là điều không khó hiểu. Tuy nhiên đại diện Học viện Tài chính băn khoăn: Nếu tăng thuế VAT ở mức độ nhất định, trong điều kiện giá cả đang ổn định và dùng tiền chi tiêu cho mục đích về phúc lợi là một cách điều hành ngân sách. Còn tăng thuế sẽ dẫn đến tăng giá (mặc dù không nhiều) và những tác động khác nên cần phải tính toán cụ thể.
Gốc của vấn đề là tiết giảm chi ngân sách
Theo một số chuyên gia kinh tế, trường hợp vẫn tăng thuế thì Bộ Tài chính cần rà soát và phân loại các nhóm hàng chịu thuế cao; đồng thời tái cơ cấu thu chi ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên, giảm áp lực lên NSNN.
Tính đến hết tháng 7/2017, chi thường xuyên đã lên tới gần 511,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm hơn 73% số chi ngân sách). Chính vì vậy động thái của Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT là nhằm tăng thu cho NSNN để đảm bảo chi tiêu, không để bội chi lên quá cao.
“Theo tôi quan trọng nhất của nguồn gốc nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu NSNN không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả”, ông Tú Anh nói.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho hay: Trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp tiết chế chi tiêu. “Việc tăng thuế chứng tỏ khả năng kiểm soát chi tiêu thấp. Thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã cao so với nhiều nước trong khu vực, nếu tiếp tục tăng thu VAT sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi chứ không phải nới rộng thu như thế này”, chuyên gia Nguyễn Đức Thành phân tích.
Mặc dù chưa có sự đo lường chính xác về độ tác động đến thị trường của chính sách này nhưng theo các chuyên gia tài chính, khi thuế tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng. Vì vậy Bộ Tài chính cần rà soát kỹ, có thể tăng ở một số mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, nước ngọt…Còn những mặt hàng thiết yếu gắn với yếu tố đầu vào của sản xuất mà làm tăng giá thành, thì cần hết sức cân nhắc.
“Không nên tăng đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, nên lọc để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người dân. Bên cạnh tăng thu ngân sách cũng cần cải cách thủ tục hành chính, bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên còn nếu cứ giữ nguyên thế mà tăng thu ngân sách thì không giải quyết được vấn đề”, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Minh Phương/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất