10/10/2017 08:12 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Taxi Vinasun dán băng rôn để phản đối taxi Uber, Grab, tài xế xe ôm truyền thống “đánh hội đồng” tài xế xe ôm Grab, Uber... là những cách hành xử mà lẽ ra không nên có trong một môi trường kinh doanh lành mạnh. Thực tế này đang đặt ra một vấn đề đó là văn hóa cạnh tranh trong kinh doanh và buộc những người làm kinh doanh phải thay đổi tư duy cũ để có thể cạnh tranh lành mạnh trong một môi trường kinh doanh hiện đại, phù hợp với xu thế phản triển chung.
Cạnh tranh là một nhu cầu tất yếu của hoạt động kinh tế trong cơ chế thị trường. Tất nhiên, trong cạnh tranh cũng có việc cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định chặt chẽ để điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế.
Ở đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
Quay trở lại câu chuyện “đang nóng” giữa các hãng taxi, xe ôm, rõ ràng, khi dịch vụ taxi, xe ôm “công nghệ” ra đời, người hưởng lợi đầu tiên chính là khách hàng vì giá cả hợp lí, linh động và dịch vụ tiện lợi, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ hiện đại.
Bản thân những người kinh doanh, cung cấp dịch vụ taxi, xe ôm “công nghệ” không có lỗi gì, hay nói cách khác, họ đang ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để đưa ra những dịch vụ tiện ích hơn cho xã hội chứ không đưa ra xã hội một kiểu kinh doanh không lành mạnh hoặc một kiểu cạnh tranh không bình đẳng. Vì vậy đây là một xu thế tất yếu mà không ai có thể dùng ý chí cá nhân của mình để chống lại được.
Với các hãng taxi truyền thống cũng như những người chạy xe ôm truyền thống, trước xu hướng phát triển, họ, những người lãnh đạo, thay vì tập trung năng lực, trí tuệ vào việc tận dụng các lợi thế sẵn có để tự thay đổi mình, tạo ra những lợi thế kinh doanh mới từ yếu tố “truyền thống” để cạnh tranh với đối thủ, họ lại đi tập trung sức lực vào việc đối phó, gièm pha đối thủ và cố gắng chống lại với xu hướng phát triển chung là điều không nên.
Vì rằng, những hành vi mang tính đối phó hoặc “dìm hàng” đối thủ, không chỉ là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, không những không tạo được lợi thế nào cho họ mà còn đang “vô tình” tạo thêm những bất lợi không đáng có vì đánh mất thiện cảm từ những khách hàng truyền thống.
Khi Chính phủ chủ trương tạo mọi điều kiện cũng như kêu gọi doanh nghiệp trong nước tự đổi mới, tự nâng mình lên để hội nhập “vươn ra biển lớn” thì đây có thể xem là một bài học để các doanh nghiệp truyền thống sớm có những thay đổi nhằm thích ứng với xu hướng hội nhập.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp phải biết rõ họ buộc phải tự nâng mình lên để có đủ khả năng cạnh tranh với những đối thủ khác, với những tình huống, những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Và nếu họ không tự thay đổi mà chỉ cố thủ, bảo vệ bằng được những lợi ích có tính truyền thống như một lợi thế độc quyền trong kinh doanh thì họ sẽ thất bại.
Thương trường là chiến trường. Sự cạnh tranh trong kinh doanh bao giờ cũng khốc liệt, nhưng người Việt vẫn luôn quan niệm “buôn có bạn, bán có phường”. Vì vậy, quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải biết thay đổi phát huy những lợi thế truyền thống của mình để cùng nhau kinh doanh, cùng nhau phát triển trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, đó mới là đích đến.
Nhưng ngoài việc cạnh tranh còn có một thực tế khác cần phải được bàn đến. Đó là những quy định của các ngành chức năng đối với hoạt động taxi truyền thống như quy định về giá cước, tuyến đường hoạt động và một số yêu cầu bắt buộc khác khi hoạt động kinh doanh taxi truyền thống... Những quy định này đang tạo ra những rào cản và sự bất bình đẳng trong hoạt động taxi khi phát sinh các loại hình kinh doanh taxi “công nghệ”.
Hoạt động kinh doanh phi truyền thống này đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý. Đây là lúc mà các nhà quản lý cũng phải nắm bắt yêu cầu thực tế để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng. Và đây cũng chính là cơ hội để những người làm công tác quản lý thay đổi tư duy trong cách điều hành, quản lý các hoạt động kinh doanh.
Chúng ta cũng không thể giữ mãi kiểu quản lý “cứ không quản lý được là cấm”, mà đã đến lúc cần phải hiểu rằng không quản lý được thì vẫn phải tìm cách để quản lý một cách hiệu quả. Vì rằng đó chính là nhiệm vụ của những người làm công tác quản lý.
Theo Lê Hiền - Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất