07/06/2019 19:17 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài văn khấn và mâm lễ cúng đúng chuẩn người Việt cho dịp Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết sâu bọ" vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. ở Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào?
Theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, trong quan niệm cổ truyền, dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.
Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 13 giờ chiều. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Trên mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu những lễ vật sau:
- Hương, hoa, vàng mã.
- Nước sạch.
- Rượu nếp.
- Bánh gio (bánh ú tro).
- Xôi chè.
- Các loại hoa quả: mận, dưa hấu, vải, hồng xiêm, chuối.
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
Văn khấn Tết Đoan Ngọ thế nào cho đúng?
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần .– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn thần.– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ).
Tín chủ chúng con là:………………….Tuổi:………………Ngụ tại:……………………………………………………………..
Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
* Văn cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
- Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ chúng con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày mồng 5/5 âm lịch, nhằm ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nhớ Tết Đoan ngọ ngày xưa
Ngày bé, chúng ta thường ít quan tâm tới phong tục truyền thống tết Đoan ngọ, chỉ biết là từ bé tới lớn thấy mọi người gọi nôm là ngày giết sâu bọ. Nhớ ngày xưa khi ông, bà nội còn sống, ngày này anh em chờ đợi háo hức lắm.
Trước vài ngày, bà đã mua gạo về làm rượu nếp, xôi đồ xong, tãi đều ra mẹt để nguội, sau đó vào men đều khắp bề mặt, đảo qua, đảo lại mấy lần, cho vào chiếc âu sắt tráng men có lót mấy lá dọc mùng, đậy nắp lại, ủ vào thùng gạo, thi thoảng anh em cứ gí mũi vào thùng để ngửi, háo hức từ lúc đó.
Lần nào cũng thế, khi xôi gạo nếp lứt đồ xong trước khi tãi ra mẹt bao giờ bà cũng cho anh em tôi mỗi đứa bát xôi, ôi chao những hạt xôi căng mọng nuốt vào mới ngon làm sao, vị ngọt của nó cứ đọng mãi trong miệng.
Sáng sớm 5/5 bà đi chợ, mua về quả Dưa hấu, mấy quả Mận, chùm Vải, có khi thêm quả Dưa hồng, thế là tươm. Ông nội trải cái chiếu ra hè, bầy cháu hôm nay háo hức nên cũng dậy từ sớm, ngồi khoanh chân trên chiếu hóng bà bổ dưa, nhìn đĩa Mận mà tứa cả nước miếng. Đầu tiên, cả nhà, mỗi người làm bát rượu nếp sau đó mới ăn đến quả Mận, quả Vải, miếng Dưa hấu, đối với bọn trẻ chúng tôi thế đã là sung sướng lắm rồi!
Ngày nay, kinh tế phát triển hơn, đời sống của dân ta tốt hơn xưa, nhu cầu về 1 bát rượu nếp hay 1 quả Dưa hấu đối với dân thị thành gần như lúc nào cũng được đáp ứng, vì thế hầu hết các gia đình đều không tự làm lấy rượu nếp, đến ngày 5-5 thì chạy ra chợ mua, do đó càng về sau này càng nhiều người dân thành phố không biết làm rượu nếp, và cái sự háo hức của trẻ con thành phố đối với ngày này có lẽ cũng nhạt dần.
Những hình ảnh đẹp về Tết Đoan ngọ
Người Huế ăn thịt vịt Tết Đoan Ngọ
Vào ngày Tết Đoan Ngọ - tức ngày 5/5 âm lịch hàng năm, tại Huế, nhộn nhịp nhất là chợ dịp này và loại thực phẩm phổ biến nhất là vịt, bởi hầu như mọi người đều mua vịt để ăn trong ngày này.
Tết Đoan Ngọ, vịt ở Huế bán rất chạy, kế đến là hoa quả. Rất khó lý giải vì sao lại ăn những loại thực phẩm trên trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người nội trợ ở Huế giải thích do thịt vịt có vị mát, rất tốt cho cơ thể con người vào những ngày nắng nóng. Hạt kê tuy nhỏ nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, chè kê có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, trời Hè nắng nóng nên hai loại thức ăn này rất tốt cho cơ thể con người.
Nhiều năm qua, dịp cúng Tết Đoan Ngọ ở Huế vẫn còn giữ được tục hái lá (gọi là lá mồng 5) với các loại lá ngày thường vẫn dùng như lá vằng, lá ổi, lá chanh để nấu nước uống trong ngày. Nhiều người tin rằng uống nước các loại lá đó vào mồng 5 và hái vào giờ chính ngọ thì sẽ tăng thêm sức khỏe cho con người, vì thế nhà nào cũng có nồi nước lá mồng 5 với đủ loại lá như vậy. Ngoài ra, còn có những nghi thức đặc biệt như: rửa mặt, nhỏ mắt bằng nước chanh để sáng mắt.
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, ở Huế còn có một phong tục đặc sắc không thể thiếu, đó là "Tết sui gia". Gia đình nhà trai sắm sửa lễ vật đến tặng nhà gái gồm cặp vịt (2 con), cùng các loại kê, đậu xanh và nếp. Con trai đến tuổi lấy vợ, dù đang yêu (chưa cưới), ngày này cũng mang cặp vịt đến biếu bố vợ tương lai để tỏ lòng tôn kính. Điều này còn thể hiện sự gắn kết, chúc hạnh phúc và tràn đầy vui tươi giữa hai bên gia đình dành và đôi bạn trẻ.
Theo quan niệm xưa, ý nghĩa và nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là "ngày giết sâu bọ", là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Vào ngày này, mọi người thường giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh trái và hoa quả … với niềm tin là khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.
Ngày Tết Đoan Ngọ kiêng gì
"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành"- do vậy tránh được những điều kiêng kỵ, tâm lý sẽ vui vẻ thoải mái hơn trong ngày Tết Đoan Ngọ.
- Vứt giày dép lộn xộn là một trong những điều cần tránh trong Tết Đoan Ngọ: Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà”, nghĩa là tà khí. Trong ngày thường và đặc biệt là ngày Tết Đoan Ngọ, để giày dép không đúng, vứt lộn xộn dễ chiêu dụ tà khí.
Để mũi giày dép quay ra phía ngoài là cách xếp đúng. Vì nếu quay vào trong chẳng khác nào dẫn tà khí vào nhà.
- Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái trong ngày Tết Đoan Ngọ: Theo quan niệm, nếu đi du lịch hoặc đi xa và có ý định mua đồ lưu niệm thì nên tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa để tránh rước thêm tà về.
Mọi vật đều chứa linh khí, nếu là linh khí tốt sẽ có lợi cho con người và ngược lại. Vậy nên cần tìm hiểu kỹ ý nghĩa của món đồ đó trước khi mua.
- Ngày Tết Đoan ngọ tránh dừng chân ở nơi âm u: Nếu xuất hành trong ngày này nên tránh xa bệnh viện, nơi tổ chức tang lễ, không dừng chân ở những nơi âm u, vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.
Nhi Thảo
Video con trai Mahut vào sân an ủi bố (Roland Garros 2019)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất