23/11/2015 00:02 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và Tổng Thư ký LHQ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2, từ phải sang) tham dự lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/ TTXVN
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đồng thời là một trong những điểm nhấn quan trọng của hội nghị lần này. Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" là sự kiện mang tính lịch sử, công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới.
Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
“Khẳng định hơn nữa cam kết của chúng ta đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể của chúng ta nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội; Tin tưởng rằng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung;
Nhấn mạnh mong muốn của chúng ta nhằm tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc của chúng ta tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN; và bảo đảm tiếp tục thực hiện các cam kết của chúng ta đối với tiến trình xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN, trong đó có tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
Theo đó: Tuyên bố việc chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 ” - Nội dung Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 viết.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 mang tên “Vững vàng cùng tiến bước”, hướng tới một Cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh; hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình.
Theo đó, ASEAN sẽ xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2025 là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN; luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực; đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ; cạnh tranh, sáng tạo, năng động, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cam kết hình thành một nền kinh tế khu vực gắn kết và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; gia tăng thương mại, đầu tư và tạo việc làm; đẩy nhanh chương trình nghị sự một thị trường thống nhất thông qua tăng cường các cam kết về thương mại hàng hóa, bao gồm giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan, hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động có tay nghề, doanh nhân và vốn.
Xây dựng một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, áp dụng phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số, thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và các quy định tương ứng cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả; hướng tới tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu;
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường và năng động. Theo đó, hiện thực hóa một cộng đồng tận tâm với sự tham gia của mọi tầng lớp và có trách nhiệm xã hội; một cộng đồng dung nạp, thúc đẩy chất lượng cuộc sống cao, tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, và thúc đẩy và bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người khuyết tật, người lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế khác;
một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân; một cộng đồng tự cường với năng lực và khả năng được nâng cao nhằm thích nghi và ứng phó với các biến động dễ tổn thương về kinh tế và xã hội, thảm họa, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên; và một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu.
Để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố sẽ hiện thực hóa cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN, nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc của tất cả cơ quan trong ASEAN và tăng cường Ban Thư ký ASEAN; hiện thực hóa cộng đồng với tăng cường sự hiện diện về thể chế của ASEAN tại từng quốc gia thành viên ASEAN.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất