Thờ cúng 3 ngày đầu năm Mậu Tuất 2018: Văn khấn và những điều cần nhớ

16/02/2018 00:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Phong tục thờ cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết là một nghi thức truyền thống mang đậm tính nhân văn và đạo lý.

Theo quan niệm của người Việt, các vị tổ tiên, người thân trong gia đình đã khuất vẫn còn hiện hữu và kết nối với con cháu bằng tâm linh giao cảm qua việc thờ cúng. 

Bày biện và chăm sóc bàn thờ gia tiên trong ngày Tết

Bàn thờ theo đó được coi là nơi trang nghiêm nhất trong gia đình. Ngày Tết, bàn thờ lại càng được người Việt chú tâm bày biện.

Bát hương được đặt ở vị trí trung tâm, 2 bên là 2 ngọn đèn thắp sáng tượng trưng cho mặt trời - mặt trăng, "nhật nguyệt quang minh". Đèn thờ phải được thắp liên tục từ ngày 30 Tết cho đến khi hết lễ hoá vàng.Người Việt quan niệm hai ngọn đèn đó sẽ đóng vai trò "ngọn hải đăng" dẫn lối ông bà người thân đã khuất trở về.

Việc hương khói trong ngày Tết cũng phải giữ liên tục để nơi thờ tự được ấm cúng và thiêng liêng, tạo cảm giác gần gũi, sum vầy giữa ông bà tổ tiên, người thân đã khuất với các thành viên trong gia đình. Để tiện lợi, người Việt hay sử dụng nhang vòng hoặc những que nhang lớn. Nhang dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại có mùi thơm đặc biệt ví dụ như nhang trầm…

Còn lại xung quanh bàn thờ sẽ dành để bày các món lễ vật, câu đối, 3 chén nước, bình hoa lớn (có thể là hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào)…, bình (hoặc chai rượu ngon). Để bàn thờ thêm đẹp mắt, tùy theo phong tục từng miền, có thể chưng bày thêm bánh in, bánh tổ, bánh tét, bánh chưng, mứt, cặp dưa hấu… 

Đặc biệt bàn thờ ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả, gồm 5 loại quả tượng trưng cho quan niệm ngũ hành với 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. 

Màu sắc mỗi loại quả cũng tuân theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Tuỳ theo điều kiện khí hậu và tập tục mỗi miền mà việc lựa chọn loại quả nào cũng khác nhau. Ví dụ mâm ngũ quả ở miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, trong khi người miền Nam kiêng loại quả này vì chuối phát âm gần giống "chúi" thể hiện sự nguy khó và không may mắn. 

Một tập tục không thể thiếu trong ngày đầu năm mới của người Việt là đi chùa cầu may. Trong đó nhiều người có thói quen dâng lễ cành vàng lá ngọc lên chùa rồi mang về đặt lên bàn thờ. 

Theo các nhà nghiên cứu tâm linh, việc này hoàn toàn không nên vì bàn thờ là nơi thanh tịnh, tâm linh. Nếu tới di tích dâng cành vàng lá ngọc lên thì nên hoá luôn, không mang về nhà.

Chú thích ảnh
Bàn thờ là vị trí đặc biệt trong gia đình ngày Tết. Ảnh: Báo tin tức

Nghi thức cúng lễ

Nghi thức cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết được thực hiện trong ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, thường vào buổi trưa. 

Sang đến 3 ngày tân niên, việc cúng lễ cơ bản là giống nhau, trung bình mỗi ngày 2 mâm cơm cúng sáng - chiều.

Mùng 1 Tết, ngày tân niên đầu tiên được coi là ngày đặc biệt quan trọng. Bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, cúng chiều gọi là cúng Tịch điện. Cỗ cúng có thể mặn hoặc chay tuỳ theo phong tục từng gia đình. Nhà nào có thờ Phật thì bắt buộc phải chuẩn bị mâm cúng chay dâng Phật. 

Các món trong mâm cỗ mặn cũng được tuỳ biến theo điều kiện từng gia đình, nhưng không thể thiếu các món ăn cơ bản ngày Tết là bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn,... Ngày mùng 1 Tết kiêng sát sinh, nên gà sẽ được làm thịt từ ngày hôm trước. 

Chú thích ảnh
Mâm cúng tuỳ biến theo điều kiện mỗi gia đình

Ngày mùng 2 Tết cũng có 2 lễ cúng. Buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Người Việt xưa quan niệm ăn Tết 3 ngày, nên ngày mùng 3 thường là ngày cuối cùng của Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ hoá vàng để tiễn ông bà tổ tiên về trời, đồng thời đón thần tài, thần lộc. 

Ngày nay, lễ hoá vàng có thể được du di đến ngày mùng 5, mùng 7 hay mùng 10 âm lịch. Gia đình có nhiều anh em không ở chung nhà có thể làm lễ hoá vàng khác ngày nhau và sắp xếp để người anh lớn nhất hoặc người có cha mẹ ở chung thì làm lễ hoá vàng cuối cùng. 

Người Việt quy định, nghi thức cúng lễ 3 ngày Tết phải do người gia trưởng thực hiện. Việc này về sau có sự tuỳ biến theo hoàn cảnh mỗi gia đình. Sau khi cỗ cúng đã được dâng lên và gia trưởng khấn lễ xong, chờ cho tàn một tuần hương, tức là những nén hương thắp lên cháy quá 2/3 thì người gia trưởng tới trước ban thờ tạ lễ và hạ cỗ xuống. Mọi người cùng quây quần bên nhau thụ lộc, hàn huyên trò chuyện, ôn lại năm cũ và chúc nhau một năm mới tốt lành.

Tham khảo văn khấn Thần linh và văn khấn Tổ tiên ngày mùng 1 Tết phổ biến nhất:

Văn khấn thần linh trong nhà 

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.

- Con kính lạy Chư vị Tôn Thần.

Tín chủ (chúng) con là ................................

Ngụ tại ..............................................

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Tuất, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.

Nhân ngày năm mới, tin chủ con sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Cúi xin đức Tôn thần, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho gia chủ chúng con mọi người sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Mong ơn Đương cảnh Thành hoàng, đội đức Tôn thần bản xứ phù hộ độ trì cho gia chủ năm tới tấn tài tấn lộc, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý, sở nguyện lòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Văn khấn tổ tiên

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá Thúc Huynh Đệ, đường thượng Tiên linh và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc họ…………………

Tín chủ (chúng) con là: ……………………………

Ngụ tại:…………………………………………….

Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên đán, đầu xuân năm mới, con cháu tưởng nhớ ân đức Tổ tiên như trời cao biển rộng. Hôm nay, ngày mùng Một tháng Giêng năm Mậu Tuất, tín chủ con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, hương hoa nước quả, thắp nén hương thơm, thành kính dâng trước án.

Tín chủ con có lời kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại, cúi xin các vị thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không hạn ách nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Tín chủ con lại mời các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng, xin ban cho sức khỏe dồi dào, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

(trích theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin)

Tết Mậu Tuất 2018: Nghi thức, văn khấn cúng giao thừa trong nhà, ngoài trời thế nào cho đúng?

Tết Mậu Tuất 2018: Nghi thức, văn khấn cúng giao thừa trong nhà, ngoài trời thế nào cho đúng?

Giao thừa âm lịch là khoảnh khắc chuyển giao nữa năm cũ sang năm mới, được xem là thời khắc đặc biệt trong văn hoá, tập quán của nhiều dân tộc bởi đó cũng là thời điểm trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện. Theo phong tục truyền thống của người Việt, cúng giao thừa (lễ trừ tịch) là nghi thức quan trọng, với ý nghĩa bỏ đi những điều không tốt từ năm cũ và đón những điều tốt đẹp, mới mẻ trong năm mới.

 Bảo Chi (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link