18/11/2018 09:03 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) – Sáng nay (18/11) tại Hà Nội, TW Hội Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục Quốc gia cho nhà sưu tập Đào Xuân Tình với bộ sưu tập xe đạp Peugeot sản xuất tại Pháp có số lượng nhiều nhất.
Vào thời bao cấp, phương tiện đi lại chính của người Hà Nội chủ yếu là xe đạp và những chiếc xe đạp là tài sản mơ ước của nhiều gia đình. Thời đó, sang nhất phải kể đến xe các hãng nước ngoài như Peugeot, Aviac hay Mercie… giá bằng vài cây vàng, tương đương với một căn hộ vài chục m2. Chính vì vậy những chiếc xe đạp này còn có biển số, giấy chứng nhận sở hữu, không khác gì việc đi đăng ký những chiếc ô tô hay xe máy ngày nay.
Là một người con của Hà Nội, gắn liền với những ký ức một thời xa xưa của Hà Nội, nhà sưu tập Đào Xuân Tình rất đam mê và luôn bị lôi cuốn bởi những chiếc xe đạp Peugoet sản xuất tại Pháp, hình ảnh những chiếc xe đạp Peugeot cổ luôn khắc sâu vào tâm trí của ông.
Ông Tình có 3 nguyên tắc trong việc sưu tập xe đạp Peugeot: một là chiếc xe đó phải cổ, hai là phải còn nguyên bản và ba là vẫn sử dụng được tốt. Chính vì vậy, gần hai mươi năm nay ông đã lặn lội, đi nhiều nơi, nhiều quốc gia ở châu Âu để tìm kiếm, mua và đấu giá những chiếc xe đạp mà ông ưng ý. Cứ nghe nói ở đâu có những chiếc xe đạp Peugeot cổ, còn nguyên bản, ông đều tìm mọi cách liên lạc để tìm đến và mua cho bằng được.
Hiện tại bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông đã lên tới 100 chiếc. Điều đặc biệt trong bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông là tất cả các phụ tùng, phụ kiện đều được sản xuất và lắp ráp tại Pháp (trước năm 1992), vì sau đó hãng xe đạp Peugeot có nhập phụ tùng của các quốc gia khác. Có những chiếc xe đạp trong bộ sưu tập của ông được sản xuất từ năm 1918, có tuổi đời trên 100 năm nhưng vẫn còn hoạt động tốt.
Để có thể gìn giữ và bảo quản tốt cho những chiếc xe cổ, ông Tình đã phải thuê một đội những người thợ có tay nghề, kỹ thuật cao,chuyên bảo dưỡng, chăm sóc và sửa chữa để những chiếc xe luôn trong tình trạng sáng bóng và di chuyển tốt.
Mỗi khi được đi dạo trên những chiếc xe đạp cổ, ông Tình luôn cảm thấy tự hào, vì đó không chỉ đơn thuần là những phương tiện để di chuyển, mà còn là cả một ký ức “Một thời để nhớ” về Hà Nội thời bao cấp xưa...
Hoài Thương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất