28/02/2019 16:25 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong ngày thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai ngày 28/2 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào lúc 9h.
16h: Chiều 28/2, tại sân bay Nội Bài, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên chuyên cơ Air Force One để lên đường trở về nước.
Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã rời khách sạn ra sân bay. Ông đã nhanh chóng lên chiếc chuyên cơ và vẫy chào tạm biệt.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc cuộc họp báo tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận. Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ sớm gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thông báo kết quả hội nghị.
15h: Tổng thống Trump kết thúc họp báo về kết quả Hội nghị.
14h55: Tổng thống Donald Trump nói ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng rời khỏi cuộc họp trong tư thế “thân thiện” và “ấm áp”:
14h50: Trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Hàn Quốc có chịu "đòn giáng" khi ông đang theo đuổi hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ trao đổi với người đồng cấp Hàn Quốc ngay trong ngày hôm nay.
"Tôi sẽ gọi cho Tổng thống Moon ngay khi tôi lên máy bay", ông Trump nói, "Ông ấy đã làm việc rất tích cực, ông ấy mong chờ thấy một thỏa thuận".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông cũng sẽ gọi điện cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về kết quả Hội nghị với Triều Tiên.
14h41: Sau khi nhận thức rõ Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được liên quan đến các lệnh trừng phạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn chứng kiến các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên được dỡ bỏ trong tương lai.
"Tôi cực kỳ mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vì quốc gia đó có nhiều tiềm năng để phát triển", Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Ông đã nhiều lần nhắc đến tiềm năng kinh tế của Triều Tiên trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội.
Hiện quốc gia Đông Bắc Á này đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm khắc, hạn chế sự phát triển và hoạt động xuất khẩu của quốc gia này.
14h33: Tổng thống Trump nói Chủ tịch Kim Jong-un cam kết không thử tên lửa, hạt nhân trong tương lai
"Một trong những điều mà ông Kim hứa với tôi tối hôm qua là ông ấy sẽ không thử vũ khí... Tôi tin tưởng ông ấy, tôi tin vào lời nói của ông ấy, tôi hy vọng đó là thật" - Tổng thống Donald Trump nói.
"Tôi không muốn nói rằng đó là quyết định của tôi... Tôi muốn duy trì mối quan hệ - chúng ta sẽ chứng kiến điều gì xảy ra trong thời gian tới", Tổng thống Mỹ trả lời tại cuộc họp báo.
14h30: Chưa có cam kết về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3
Tổng thống Mỹ cho biết ông không cam kết về một Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. "Chúng ta sẽ xem liệu điều đó có xảy ra không", ông nói.
Khi được hỏi về vấn đề công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ, Otto Warmbier, ông Trump nói: "Những điều gì đó thực sự rất tệ đã xảy ra với Otto... Ông Kim nói với tôi là ông ấy không biết về chuyện đó và tôi tin lời ông ấy".
Công dân Mỹ Otto Warmbier bị bắt và giam giữ tại Triều Tiên trong 17 tháng trước khi được trả tự do về Mỹ vào năm 2017 và qua đời sau đó.
14h20: Tổng thống Trump cho biết ông đã có thời gian thực sự hiệu quả trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, ông nói thêm chưa có gì để ký kết hôm nay. Ông nói: "Họ muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoàn toàn. Chúng tôi không thể làm điều đó".
Nhận xét về Chủ tịch Kim Jong-un, ông Trump nói: "Ông ấy là một người có cá tính. Chúng tôi đã có một số lựa chọn nhưng tại lúc này chúng tôi đã quyết định không làm bất kỳ lựa chọn nào. Đôi khi bạn phải bỏ ra ngoài".
Ông Trump nói: "Chúng tôi chưa từ bỏ bất kỳ điều gì". Ông cho biết thêm ông trông mong có đàm phán trong tương lai với Triều Tiên: "Họ có tiềm năng khổng lồ, không thể tin được. Ông ấy muốn phi hạt nhân hóa".
13h: Nhà Trắng thông báo Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt thỏa thuận chung
Thông báo từ Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders viết: "Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp mang tính xây dựng và tốt đẹp tại Hà Nội, Việt Nam trong hai ngày 27-28/2. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế. Hiện tại, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận, song đội ngũ hai bên tiếp tục mong đợi gặp nhau trong tương lai".
12h. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu bữa trưa làm việc
Sau khi kết thúc cuộc gặp mở rộng tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội, trưa 28/2, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bắt đầu bữa trưa làm việc.
Theo kế hoạch do Nhà Trắng công bố, sau bữa trưa của hai nhà lãnh đạo sẽ là lễ ký kết thỏa thuận chung - dự kiến vào lúc 14h05. Tổng thống Trump sẽ có cuộc họp báo công bố kết quả hội nghị vào lúc 15h50 chiều cùng ngày.
Phát biểu với giới báo sau cuộc gặp mở rộng, Tổng thống Trump khẳng định các cuộc thảo luận "rất, rất tích cực". Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định ông cam kết phi hạt nhân hóa và "hoan nghênh" nếu Mỹ mở văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng, một ý tưởng mà Tổng thống Trump đánh giá là "ý tưởng tốt".
11h30. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa
Phát biểu sau cuộc gặp thượng đỉnh mở rộng giữa phái đoàn hai nước sáng 28/2 tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh: "Nếu tôi không sẵn sàng làm điều đó, tôi đã không ở đây vào lúc này". Ông cũng hoan nghênh Mỹ mở văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá mở văn phòng liên lạc là một ý tưởng tốt và cuộc đối thoại là "thành công to lớn".
10h25. Những nội dung hai nhà lãnh đạo có thể thỏa thuận tại Hà Nội
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kết thúc cuộc gặp riêng và bắt đầu cuộc gặp mở rộng với các quan chức hai nước.
Theo hãng tin Yonhap, thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại Hà Nội trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến sẽ tập trung vào việc ông Kim Jong-un có sẵn sàng từ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon hay không và Mỹ sẽ làm gì để đáp lại.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến ra một tuyên bố mà nhiều người dự đoán sẽ đưa mối quan hệ hai nước lên một quỹ đạo mới. Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh tuần này là làm thế nào để làm rõ thỏa thuận mơ hồ mà Mỹ và Triều Tiên đã ký kết trong cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Tại các cuộc đàm phán ở Singapore, hai bên đã đồng ý hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên, thiết lập quan hệ song phương "mới" và nỗ lực chung để xây dựng một "cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định" trên bán đảo bị chia cắt này.
Trọng tâm của tuyên bố có khả năng là các chi tiết cụ thể về cách Bình Nhưỡng và Washington có thể đạt được tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa. Ngày càng có nhiều người dự đoán rằng Triều Tiên sẽ cam kết đóng cửa hoặc phá dỡ các cơ sở chính trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon của nước này hoặc từ bỏ vũ khí hạt nhân "trong tương lai". Bình Nhưỡng cũng có thể chấp nhận khai báo các cơ sở hạt nhân hoặc các nguyên liệu phân hạch của mình - một yêu cầu của Mỹ mà Triều Tiên lo ngại Mỹ có thể đưa các cơ sở này vào danh sách các mục tiêu tấn công ở Triều Tiên.
Hãng truyền thông Vox có trụ sở tại Mỹ cho rằng Triều Tiên đã đồng ý ngừng sản xuất nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Đổi lại, Mỹ đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt để các dự án kinh tế liên Triều có thể được triển khai.
Trong bài phát biểu ngày đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi nối lại các tour du lịch bị dừng từ lâu đến Núi Kumgang trên bờ biển phía Đông của Triều Tiên và mở lại khu công nghiệp chung Kaesong hiện đang bị đóng cửa.
Ông Moon Chung-in, cố vấn chính sách đối ngoại đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho rằng nếu Bình Nhưỡng đồng ý tháo dỡ vĩnh viễn tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Triều Tiên sẽ "xứng đáng" được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Sau một diễn đàn ở thủ đô Washington (Mỹ), ông nói với các phóng viên rằng: "(Washington) cũng có thể giảm bớt trừng phạt nếu (Triều Tiên) phá hủy vĩnh viễn tổ hợp Yongbyon ... bởi vì đây là bước đầu tiên hướng tới giai đoạn không thể đảo ngược (phi hạt nhân hóa)". Tuy nhiên, ông cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt có thể "khó xảy ra".
Các nhượng bộ khác mà Mỹ có thể đưa ra là tăng viện trợ nhân đạo và nới lỏng các hạn chế đi lại của công dân Mỹ đến Triều Tiên.
Về mối "quan hệ mới", tuyên bố có thể bao gồm thỏa thuận lập văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng và một văn phòng của Triều Tiên tại Washington. Việc thành lập các văn phòng như vậy được coi là một quá trình ban đầu hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Về một cơ chế hòa bình, hãng truyền thông Vox cho rằng hai nước có thể nhất trí ký tuyên bố hòa bình chấm dứt một cách tượng trưng cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc xung đột này đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Đầu tuần này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã đề cập khả năng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Một sự nhượng bộ khác là Triều Tiên có thể đồng ý hồi hương thêm nhiều hài cốt quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Năm ngoái, Triều Tiên đã trả lại hài cốt của 55 quân nhân Mỹ.
9h50: Sau cuộc họp kín kéo dài 15 phút (ngắn hơn kế hoạch ban đầu), Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đi dạo cùng nhau trong khuôn viên khách sạn Metropole.
Xem clip hai nhà lãnh đạo bước ra ngoài sau cuộc hội đàm (nguồn: CBS News)
Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ tham gia cuộc họp mở rộng với các quan chức cấp cao hai nước.
9h01. Phát biểu với báo giới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ nỗ lực để hội nghị đạt kết quả tốt đẹp.
Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai trong vòng 8 tháng qua giữa Mỹ và Triều Tiên. Kể từ sau kết quả tích cực của cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, hợp tác kinh tế liên Triều đã chứng kiến nhiều bước phát triển tốt. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác này vẫn đang bị vướng mắc bởi nhiều lệnh trừng phạt của quốc tế cũng như trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Cuộc gặp lần thứ hai này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ vạch ra được các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, qua đó duy trì hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Ngoài ra, sự kiện được mong đợi sẽ mở ra một cơ hội để nới lỏng các trừng phạt, cho phép nền kinh tế Triều Tiên "cất cánh".
9h. Nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên trả lời trực tiếp phóng viên nước ngoài
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng 28/2 đã gây bất ngờ khi trực tiếp trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài.
Theo báo trên, phóng viên David Nakamura của tờ Washington Post (Mỹ) đã hỏi nhà lãnh đạo Triều Tiên: "Ông có tự tin sẽ đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump không?". Ông Kim Jong-un đáp: "Còn quá sớm để nói về điều đó. Nhưng tôi cảm nhận là sẽ có một kết quả tốt."
The Guardian nhận định đây có thể là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên trả lời trực tiếp một phóng viên phương Tây. Trong các chuyến công du trước đây tới Trung Quốc, ông Kim Jong-un được cho là đã không trả lời các phóng viên từ nước chủ nhà.
Trên trang Twitter cá nhân, phóng viên David Nakamura cũng đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng sau khi anh đăng tải dòng trạng thái: "Tôi đã đặt câu hỏi và người phiên dịch đã chuyển ngữ. Ông Kim Jong-un đã trả lời bằng tiếng Triều Tiên (Korean) và câu nói của ông ấy đã được dịch lại sang tiếng Anh".
8h59. Tổng thống Trump tái khẳng định không vội vã trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Phát biểu với báo giới trước khi chính thức bước vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump nhắc lại ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có cuộc thảo luận hiệu quả và tuyệt vời trong ngày 27/2. Ông nhấn mạnh ông " không vội vã trong vấn đề phi hạt nhân hóa và tốc độ phi hạt nhân hóa Triều Tiên không quan trọng".
Tổng thống Trump bày tỏ sự tôn trọng lớn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhấn mạnh hai nước có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển quan hệ. Ông đồng thời cám ơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định ông đã có "cuộc đối thoại tốt đẹp" với Tổng thống Trump và mong muốn hội nghị thượng đỉnh đạt kết quả tích cực.
Sau cuộc gặp dự kiến kéo dài 45 phút này, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục có cuộc họp mở rộng với sự tham gia của phái đoàn cả hai bên.
Vào lúc 11h55 sáng 28/2, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cùng ăn trưa, trước khi tiến hành lễ ký kết thỏa thuận chung - dự kiến vào lúc 14h05. Cuộc họp báo công bố kết quả hội nghị sẽ diễn ra vào lúc 15h50 chiều cùng ngày.
Sau cuộc gặp và dùng bữa tối trong ngày 27/2 tại Hà Nội, cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu đạt được nền hòa bình và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết ông có "cuộc gặp tốt đẹp" và "đối thoại vô cùng tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội.
Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, nhiều khả năng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ ký thỏa thuận tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho rằng tuyên bố giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể là đủ (để kết thúc cuộc chiến tranh này), vì Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc không còn là đối thủ nữa dựa trên quan hệ ngoại giao của các bên được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước.
Truyền thông Triều Tiên đổi mới cách đưa tin về chuyến công du của nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Khác hẳn với những chuyến công du trước đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thông tin về chuyến thăm tới Việt Nam lần này được đưa một cách đậm nét, dày đặc trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên. Giới quan sát nhận định sự thay đổi của Triều Tiên trong việc đưa tin về hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam cho thấy sự tự tin và nỗ lực thay đổi hình ảnh của quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong ngày 27/2, trang web của Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng trang trọng trên trang nhất bài viết và bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un chụp cùng các nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội. Thông tin được đăng chưa đầy một ngày sau khi ông Kim Jonh-un tới thăm Đại sứ quán Triều Tiên trên phố Cao Bá Quát.
Thông tin chi tiết về lịch trình ngày làm việc đầu tiên tại Hà Nội của ông Kim Jong-un, bao gồm cuộc họp với quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh, cũng xuất hiện rộng rãi trên các tờ báo nhà nước Triều Tiên. Truyền thông nước này thậm chí còn thông báo lịch trình sắp tới của ông Kim Jong-un cũng như chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên - đã dành toàn bộ trang nhất và trang thứ hai trong số báo ra ngày 27/2 đăng tải nhiều hình ảnh hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam, từ lễ đón nồng nhiệt ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho tới cuộc họp chiến lược trong phòng khách sạn, và cuối cùng là cuộc gặp gỡ chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội.
Nếu nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, có thể thấy truyền thông nhà nước Triều Tiên giữ im lặng cho đến tận khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới "đảo quốc sư tử". Tuy nhiên, đối với chuyến công du lần này, các cơ quan truyền thông nhà nước đã bắt đầu đưa tin ngay từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên tàu xuất phát sang Việt Nam. Cụ thể, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) đã phát sóng những thước phim quay lại cảnh nhà lãnh đạo nước này cùng đoàn tháp tùng lên tàu đi qua Trung Quốc hướng về quốc gia Đông Nam Á. Thậm chí, phát thanh viên lâu năm của Triều Tiên, bà Ri Chun-hee, người được mệnh danh là “quý bà áo hồng”, cũng bất ngờ tái xuất trong bản tin xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên đường sang Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần hai. Đây được coi là một động thái khác thường khi Bình Nhưỡng trước đây thường không đưa tin về các chuyến công du và lộ trình của nhà lãnh đạo vì lý do an toàn. Ngoài ra, cách xử lý thông tin của truyền thông Triều Tiên về hoạt động ở Việt Nam lần này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trước đây, họ thường đưa tin ngắn gọn trong các chuyến đi và chỉ cung cấp chi tiết sau khi nhà lãnh đạo đã về nước.
Trong chuyến đi Việt Nam lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, truyền thông nhà nước Việt Nam cũng được tiếp cận, đưa tin sát sao về các hoạt động của ông Kim Jong-un. Không giống như tại Singapore - chỉ có một đoạn video trực tiếp ngắn ngủi phát sóng về cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Thủ tướng Lý Hiển Long, truyền thông nhà nước Việt Nam phát sóng đầy đủ và nhanh chóng các hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhận định về sự thay đổi trong cách thức đưa tin về hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc) cho rằng: "Triều Tiên dường như đang nỗ lực thể hiện họ là một quốc gia bình thường thông qua cách đưa tin như vậy của truyền thông. Điều này có thể nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng sự thay đổi đang bắt đầu từ truyền thông của họ".
Giáo sư Lim Eul-chul - Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) - cũng cho rằng dường như truyền thông Triều Tiên đang "xây dựng hình ảnh" không chỉ với cộng đồng quốc tế mà cả trong nước. Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang cố gắng chia sẻ với người dân các hoạt động ngoại giao của ông càng nhiều càng tốt, một động thái có thể được coi là nỗ lực để thu hút dư luận trong nước. Ông nói: "Những thay đổi trong cách đưa tin của truyền thông có thể xuất phát từ nhu cầu đồng lòng với người dân hướng tới một quốc gia bình thường".
Cũng theo Giáo sư Lim Eul-chul, việc truyền thông Triều Tiên đưa tin nhanh chóng và dày đặc về chuyến đi Việt Nam của ông Kim Jong-un cũng có thể là một tín hiệu cho thấy sự tự tin của nhà lãnh đạo này trong việc hướng tới một kết quả đầy triển vọng tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ông Lim Eul-chul nói: "Họ sẽ không đưa những thông tin có thể khiến người dân thất vọng nếu không tin tưởng vào kết quả cuộc gặp".
Nhóm PV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất