28/05/2018 20:07 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của năm công ty.
Theo nội dung bản án sơ thẩm tuyên ngày 9/2, từ tháng 5-9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như khi đó là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để huy động vốn của năm công ty, gồm Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định Nhà nước.
Huỳnh Thị Huyền Như đã thông qua tài khoản của Vietinbank để tạo niềm tin và đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu, giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền của năm công ty.
Bản án cũng nhận định, các đơn vị đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật ở ngoài trụ sở Vietinbank. Các nguyên đơn dân sự vì lợi ích riêng đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản.
Xét về hình thức và nội dung, các nguyên đơn dân sự đều vi phạm pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ vì vậy, người chiếm đoạt phải có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nhận mức án tù chung thân và Võ Anh Tuấn bảy năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” đồng thời bản án tuyên buộc Huyền Như bồi thường cho bốn công ty, Võ Anh Tuấn liên đới bồi thường cho một công ty, tổng cộng hơn 1.085 tỷ đồng.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Võ Anh Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bốn nguyên đơn dân sự là các Công ty Phương Đông, Công ty Saigonbank Berjara, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc kháng cáo nội dung bản án.
Tại phiên tòa ngày 28/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Về kháng cáo xin giảm án của bị cáo Anh Tuấn không đưa ra được tình tiết mới nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án bảy năm tù đối với bị cáo.
Về kháng cáo của bốn nguyên đơn dân sự, đại diện Viện Kiểm sát lập luận, Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao. Huyền Như bỏ tiền cá nhân để trả lãi ngoài và phí môi giới, dẫn dụ các đơn vị gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, Huyền Như lập chứng từ, ký giả, làm giả con dấu, tự thao tác lệnh chuyển tiền... của các đơn vị này.
Có thể thấy Huyền Như đã có lời nói, đưa ra thông tin giả về việc Vietinbank huy động vốn với lãi suất cao, để làm cho các đơn vị tin nhằm gửi tiền vào ngân hàng. Vì vậy, các công ty đã sập bẫy lãi suất cao của Huyền Như và bị mất số tiền tổng cộng là 1.085 tỷ đồng. Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không có kháng cáo, chấp nhận hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo của bốn công ty, tuyên bị cáo Huyền Như y án chung thân về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản;" đồng thời đề nghị tuyên giữ nguyên trách nhiệm bồi thường như bản án sơ thẩm.
Đại diện bốn công ty cũng giữ nguyên quan điểm như kháng cáo rằng họ gửi tiền hợp pháp vào Vietinbank và tiền đã được hạch toán vào hệ thống của ngân hàng. Vietinbank đã có lỗi khi quản lý tiền của khách hàng, để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt nên ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải Huyền Như lãnh trách nhiệm bồi thường như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 29/5.
NGUYỄN CHUNG (TTXVN/VIETNAM+)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất