31/07/2018 11:10 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 31/7, đại diện Viện Kiểm sát quân sự đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", sinh năm 1971, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm.
Viện Kiểm sát quân sự đề nghị xử phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ mức án từ 10 đến 12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 2 đến 3 năm tù về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hệ phải chấp hành hình phạt từ 12 đến 15 năm tù.
Cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", các bị cáo: Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn) bị đề nghị mức án từ 5 đến 7 năm tù; Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn) từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù treo; Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) 2 đến 3 năm tù treo.
Bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) bị đề nghị mức án cải tạo không giam giữ từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp đối với bị cáo Hệ trong 3 đến 4 năm; Đề nghị cấm bị cáo Thắm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp từ 1 đến 2 năm.
Viện Kiểm sát cho rằng lời khai của bị cáo Hệ là không có căn cứ
Viện Kiểm sát thấy rằng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong khi các bị cáo Bùi Văn Tiệp, Trần Văn Lâm và Trần Xuân Sơn đã thừa nhận sai phạm của mình và đồng ý khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cùng quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Viện Kiểm sát xét thấy, bị cáo Hệ vì động cơ, vụ lợi cá nhân, sau khi ký tờ trình, chỉ đạo cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đề nghị đăng ký xe biển quân sự, biển xanh 80A và được cấp có thẩm quyền cho mua, đăng ký, Đinh Ngọc Hệ với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty, là người quyết định, chỉ đạo việc sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội sử dụng trái quy định. Bị cáo Hệ không phải nộp thuế trước bạ đối với số xe ô tô hơn 3 tỷ đồng, đồng thời hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Việc sử dụng nhiều xe biển quân sự, biển xanh không đúng quy định nêu trên đã dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội; vi phạm quy định của Nhà nước, quy định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc quản lý, sử dụng xe công. Tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, có đủ cơ sở khẳng định: Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo cấp dưới lợi dụng danh nghĩa là doanh nghiệp quân đội làm kinh tế quốc phòng, báo cáo sai sự thật với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, nhằm tránh bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.
Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát nhận định các hành vi nêu trên của Đinh Ngọc Hệ có đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với vai trò chủ mưu, chỉ huy và phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng, trong quá trình thẩm vấn, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Hệ khai là do dân trí thấp, nghe theo anh em xã hội bảo không đi học được thì nhờ người đi học, đi thi thay. Viện Kiểm sát cho rằng lời khai của bị cáo Hệ là không có căn cứ.
Căn cứ vào tài liệu, quá trình xét hỏi tại phiên tòa, Viện Kiểm sát xét thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã mua 1 bảng điểm và 1 Bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân giả và nhiều lần sử dụng văn bằng, bảng điểm giả để kê khai hồ sơ đảng viên, để được nâng lương, chuyển nhóm lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm trái quy định. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Đối với bị cáo Trần Văn Lâm, trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, theo sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, ngày 17/7/2014, Lâm đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương mạo nhận là doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng xin không xử phạt hành vi kinh doanh xăng kém chất lượng của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn tại Bình Dương. Bị cáo Lâm cũng trực tiếp câu kết với Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng gửi giữ xăng dầu và các tài liệu nhằm hợp thức số xăng kém chất lượng bị kiểm tra là của Sư đoàn 367 gửi, không phải xăng bán ra thị trường, lừa dối các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương để không bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xét thấy có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong đó, Trần Văn Lâm đồng phạm với Đinh Ngọc Hệ trong vai trò là người thực hành và phải chịu trách nhiệm sau bị cáo Hệ. Các bị cáo Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn cũng đồng phạm với Đinh Ngọc Hệ và phải chịu trách nhiệm sau Hệ và Lâm. Đối với bị cáo Phùng Danh Thắm, với cương vị là Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của công ty cổ phần và đối với Đinh Ngọc Hệ dẫn tới có đơn thư tố cáo. Do đó, Viện Kiểm sát xét thấy hành vi của bị cáo Thắm đủ yếu tố cấu thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Viện Kiểm sát nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động quả lý của nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành. Do đó, cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục tội phạm.
Ngoài ra, xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ với các bị cáo, Viện Kiểm sát xét thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong công tác. Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát xét thấy cần cách ly bị cáo Hệ và Lâm ra khỏi đời sống xã hội mới đủ sức giáo dục, răn đe tội phạm. Riêng đối với 2 bị cáo Tiệp và Sơn có nhiều tình tiết giảm nhẹ, do vậy không cần thiết cách ly hai bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát quân sự, căn cứ vào các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát xét thấy việc đưa vụ án ra xét xử là hết sức cần thiết. Việc xét xử là đúng quy định pháp luật, khách quan, công bằng. Các chứng cứ được thẩm tra đúng quy định, việc xét hỏi đúng trình tự tố tụng.
TTXVN/Xuân Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất