25/10/2020 10:03 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).
Trong vụ án này, có tổng số 12 bị cáo phải ra hầu tòa. Trong đó, 8 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" gồm: Trần Lục Lang (sinh năm 1967, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách Quản lý rủi ro, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư), Đoàn Ánh Sáng (sinh năm 1961, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư), Kiều Đình Hòa (sinh năm 1961, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (sinh năm 1984, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (sinh năm 1974, nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV chi nhánh Hà Thành), Đặng Thành Nam (sinh năm 1981, nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành).
Bốn bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" gồm: Đoàn Hồng Dũng (sinh năm 1961, nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Trần Anh Quang (sinh năm 1982, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (sinh năm 1965, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Nguyễn Thị Thanh Sơn (sinh năm 1963, Thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam).
* Biết rủi ro, vẫn phê duyệt cho vay vốn
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.
Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả. Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của Trần Bắc Hà, BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn.
Trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.
Đối với Công ty Trung Dũng, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8/2011, các bị cáo: Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.
Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo: Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ. Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.
* Lợi nhuận giảm vẫn đánh giá hoạt động hiệu quả
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, khi đề xuất cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng năm 2011 và đề xuất phát hành thư tín dụng (L/C) theo món, BIDV chi nhánh Hà Thành đã đánh giá không đúng về khả năng tài chính của Công ty Trung Dũng. Báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Trung Dũng có thể hiện lợi nhuận sau thuế năm 2008 là hơn 13 tỷ đồng; năm 2009 là hơn 10 đồng, năm 2010 là 3,3 tỷ đồng. Trong khi vốn đầu tư vào kinh doanh của Công ty Trung Dũng ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng, nhưng BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời đề xuất cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng khi khách hàng không đủ tỷ lệ tài sản bảo đảm theo chính sách tín dụng của BIDV.
Cụ thể, tại thời điểm đề nghị cấp hạn mức, giá trị tài sản bảo đảm của Công ty Trung Dũng chỉ đạt 23% trên hạn mức đề nghị cấp 700 tỷ đồng, không đáp ứng tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu theo quy định của BIDV, vi phạm quy định tại Điều 6, khoản 3, điểm a - Chính sách cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp ban hành theo Quyết định 0658/QĐ-QLTD1 ngày 15/7/2009 của BIDV. Tại thời điểm đề xuất phát hành L/C theo món vào tháng 11/2011, Công ty Trung Dũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tín dụng tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 8/2011, không bổ sung được tài sản bảo đảm, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng Chi nhánh vẫn đánh giá Công ty Trung Dũng có khả năng tài chính để trả nợ khi đến hạn, đề xuất phát hành L/C là thiếu cơ sở.
Viện Kiểm sát xác định, việc BIDV chi nhánh Hà Thành đề xuất cấp tín dụng như trên đã vi phạm quy định tại Điều 7, khoản 3 và Điều 15, khoản 2 - Quy chế cho vay đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước quy định về điều kiện vay vốn: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng "Có khả năng tài chính bảo đảm trả nợ trong thời hạn cam kết".
* Sai phạm trong việc giải ngân cho vay, quản lý vốn vay
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhận định, đối với tài khoản cho vay theo hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng năm 2011, BIDV chi nhánh Hà Thành đã giải ngân cho khách hàng vay khi khách hàng không đủ điều kiện cho vay (không đủ tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ thực tế), vi phạm điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt. Tại điểm giải ngân các khoản vay cụ thể, Công ty Trung Dũng không bổ sung tài sản bảo đảm để đạt tỷ lệ 50%/dư nợ theo quy định về chính sách tín dụng của BIDV. Sau khi giải ngân cho vay, BIDV chi nhánh Hà Thành không có biện pháp kiểm soát dòng tiền của khách hàng, nên không thu nợ đúng hạn, dẫn đến dư nợ như hiện nay.
Đối với khoản phát hành L/C theo món, BIDV chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt tại Công văn số 5734/CV-QLRRTD ngày 14/11/2011, không kiểm tra, giám sát hàng hóa để Công ty Trung Dũng tự ý bán tài sản mà không biết; không quản lý các khách hàng có liên quan và không quản lý được dòng tiền về tài khoản để thu nợ.
Việc giải ngân cho vay, quản lý vốn vay và tài sản bảo đảm của BIDV chi nhánh Hà Thành đã vi phạm quy định tại Điều 94, khoản 3 - Luật các tổ chức tín dụng quy định về kiểm tra sử dụng tiền vay (tổ chức tín dụng trước khi quyết định cấp tín dụng phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng), vi phạm Điều 21 - Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước) quy định về điều kiện vay vốn, kiểm tra, giám sát vốn vay (tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có khả năng tài chính để đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; phải thực hiện kiểm tra giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng).
Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, mặc dù Hội sở BIDV đã yêu cầu chi nhánh Hà Thành thực hiện nhiều điều kiện tín dụng chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn đối với các khoản vay, tuy nhiên, BIDV chi nhánh Hà Thành đã không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng mà Hội sở yêu cầu, dẫn đến hậu quả làm mất vốn của BIDV.
Kim Anh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất