Hà Nội còn nhiều “cây di sản”

06/10/2010 16:26 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 5/10, 9 cây muỗm trên 700 năm tuổi tại đền Voi Phục thuộc phường Thụy Khuê, Hà Nội được công nhận là những Cây di sản đầu tiên của Việt Nam.

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Hà Nội còn rất nhiều cây đại thụ cần được xây dựng hồ sơ công nhận di sản để tương xứng với tầm vóc lịch sử của thủ đô và để tránh “lâm tặc”.

Muỗm đại thụ - khẳng định bản sắc Thăng Long


Khuôn viên rợp bóng 9 “cụ muỗm” đại thụ

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho biết, 9 “cụ muỗm” tượng trưng cho sự trường cửu của dân tộc đều có tuổi thọ trên 700 tuổi ở đền Voi Phục là những “chứng nhân lịch sử” mà tiền nhân gửi gắm những thông điệp cho các thế hệ con cháu.

Có thể nói, muỗm cổ thụ tập trung dày đặc trên vùng đất của kinh thành Thăng Long. Ngoài đền Voi Phục ở Thụy Khê, còn gặp muỗm ở đền Voi Phục Thủ Lệ, ở đền Quan Thánh, chùa Láng và dọc theo dải thành đất xưa có tên là “Núi Bò” kéo dài từ Đại sứ quán Thụy Điển hiện nay đến vườn thú Thủ Lệ với hàng chục cây muỗm cổ thụ có đường kính nhiều người ôm. Hiện nay, “Núi Bò” đã được san ủi để xây dựng khu ngoại giao đoàn, còn sót một số cây muỗm cổ thụ ở khu chuồng hổ và voi trong vườn thú. Đó có thể là những cây đại thụ cao niên bậc nhất Hà Nội hiện nay. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, cây muỗm xuất xứ từ xưa ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia, rồi sau đó được du nhập vào Việt Nam. Thời Lý - Trần, kinh thành Thăng Long là nơi hội tụ văn hóa Việt - Đông Nam Á thông qua cửa ngõ Chămpa. Rất nhiều yếu tố Ấn Độ giáo đã được du nhập và phát triển tại Thăng Long. Điều mà hai triều đại Lý - Trần muốn làm là thiết lập các vương triều độc lập mang bản sắc Đông Nam Á, để khác hẳn với các vương triều phía Bắc. Việc tạo ra một thảm thực vật cây muỗm có gốc Đông Nam Á tại kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần có thể cũng không ngoài tư duy chiến lược trên của các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước.

Theo kết quả điều tra, 9 cây muỗm tại đền Voi Phục đều có trên 700 năm tuổi. 8 cây trồng rải rác trong khuôn viên đền, bóng cây xanh ngắt tỏa rợp một vùng đất rộng, tạo cho ngôi đền ngót 1.000 năm tuổi một không gian trong lành và thiêng liêng. Cây thứ 9, trước đây cũng vốn thuộc khu giếng ngọc của đền, theo thời gian, đường Thụy Khuê được mở cắt ngang khuôn viên đền, nên “cụ muỗm” này bị lệch sang bên kia đường, nằm chẹt vào giữa những ngôi nhà cao tầng. “Cụ muỗm” nhỏ nhất có chu vi 2,92 mét, cao 17 mét, cây to nhất có chu vi thân 5,2 mét cao 29 mét.

Vào mùa Xuân, muỗm ra hoa và mỗi năm cho hàng tấn quả, hương hoa quả thanh khiết tỏa rộng khắp cả một vùng rộng lớn.

Giữ đại thụ cho Hà Nội trước khi quá muộn


GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
dưới gốc một “cụ muỗm”

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE, việc công nhận các cây di sản của quốc gia chúng ta làm tương đối muộn so với các nước trên thế giới. Ngoài việc bảo vệ đa dạng sinh học, cây di sản còn bảo vệ giá trị lịch sử văn hóa trường tồn của dân tộc.

Đầu năm 2010, hưởng ứng năm đa dạng sinh học của thế giới và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, VACNE mới chính thức bàn đến vấn đề sẽ đưa ra một hình thức công nhận cây di sản. Khi đó, các nhà khoa học của Hội mới bắt đầu nghiên cứu các tài liệu quốc tế về cây di sản và xây dựng các tiêu chí. 9 cây muỗm đại thụ có thừa đủ các tiêu chuẩn đặt ra, đồng thời lại rất gắn bó với lịch sử thăng trầm của 1.000 năm Thăng Long, vì thế VACNE mới chính thức chọn đây là những đại thụ đầu tiến để công nhận di sản ở Việt Nam.

Trong số những đại thụ gắn với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội còn có cây thị tại Hoa Lư, Ninh Bình. Cây sống trong đền thờ 7 quan trấn đồn của vua Đinh. Cây thị có hai loại quả, mà theo tài liệu lịch sử, một loại quả tiến vua một loại quả để cho dân. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên việc công nhận di sản với “cụ Thị” vẫn chưa kịp tiến hành nhân Đại lễ.

Đã có hơn chục hồ sơ đăng kí “cây di sản”

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, tại Hà Nội còn nhiều cây có thể coi là cây di sản này. Ngoài những cây di sản ở những địa điểm danh thắng nổi tiếng, có những cây đặc hữu, cần được áp dụng biện pháp bảo vệ. Những cây cổ thụ là loại cây đặc hữu có giá trị về rất lớn về nguồn gen đồng thời có công năng sử dụng cao. Những cây gỗ quý hiếm tính ra tiền là giá trị rất lớn nên những người hám lợi, “lâm tặc” luôn đe dọa khai thác. Những cây này bảo vệ, chăm sóc đặc biệt trước khi quá muộn.

Hiện, VACNE đã nhận được hơn chục hồ sơ đăng kí cây di sản của các phường, quận tại Hà Nội. Sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục có những cây di sản để tương xứng với tầm vóc thành phố nghìn năm tuổi.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link