Xây dựng phòng tranh Việt Nam bài bản hơn tại Mỹ

06/12/2011 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Phòng tranh Tự Do chính thức khai trương ngày 24/6/1989 và trở thành gallery tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, kể từ 1975. Trong hơn 20 năm tồn tại, Tự Do đã kết nối với khoảng 100 họa sĩ và sưu tập hơn 1.000 tác phẩm, trở thành địa chỉ uy tín của giới trao đổi, mua bán nghệ thuật. Thế nhưng, mới đây, phòng tranh này đã nói đến chuyện đóng cửa, dù vẫn làm ăn suôn sẻ - một tin buồn cho giới làm nghề và cộng đồng.

Họa sĩ Trần Thị Thu Hà - chủ nhân phòng tranh - chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về điều này, trước khi triển lãm cá nhân kỷ niệm 20 năm cầm cọ của chị diễn ra. Đây rất có thể là triển lãm cuối cùng của Tự Do…

Họa sĩ Trần Thị Thu Hà

* Vượt qua chuyện kinh doanh thông thường, Tự Do từ lâu đã được biết đến như một địa điểm sưu tập nghệ thuật đáng nể; thậm chí, ngầm định hướng một phần về phong cách và uy tín mỹ thuật; nay nghe tin “về thu xếp lại” để dẹp nghỉ sau hơn 20 năm mở cửa. Lý do chính của điều này là gì, thưa chị?

- Lý do “gác kiếm” là tuổi tác và sức khỏe, chúng tôi muốn nghỉ hưu, chuyển giao công việc lại cho con cái.

* Tự Do không thuộc diện giàu sụ trong giới kinh doanh nghệ thuật, nhưng cũng đủ sống bình yên để đeo đuổi cái nghề này lâu dài. Được biết các con chị đã theo học bài bản về lịch sử và môi giới nghệ thuật - nghĩa là đủ sức kế thừa sự nghiệp. Lý do tại sao họ chưa về Việt Nam để kế tục?

- Các con tôi lập nghiệp ở Mỹ, vì vậy chúng chỉ  có thể kế thừa công việc ở bên đó. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, nếu có thể thực hiện một phòng tranh đúng nghĩa ở Mỹ để quảng bá cho mỹ thuật Việt Nam, quả là một bước tiến tốt. Từ năm 2003, chúng tôi đã mở chi nhánh Tudo Art tại Houston, Texas; năm 2007 thì chuyển về San Francisco, California, Mỹ. Ban đầu con cái tôi không muốn theo cái nghề tưởng “ngồi mát” này, vì quá cực, nhưng gần đây, chúng đã đổi ý, quả là tín hiệu vui.

Các phòng tranh ở Việt Nam thường chỉ duy trì trong một thời gian ngắn hoặc một thế hệ, không có kế thừa là điều đáng tiếc. Cần có những phòng tranh lâu đời, uy tín, lưu giữ tài liệu có hệ thống, giúp cho việc nghiên cứu và phát triển mỹ thuật Việt Nam.

* Để thuyết phục con cái, chị có cho họ thấy sự thú vị, khó khăn và thách thức của nghề này không? Tại sao chị từng nói Tự Do mới đang tiến dần tới bán chuyên nghiệp?

- Điều thú vị là chúng tôi đã tạo dựng được phòng tranh có phong cách riêng, uy tín và được sự yêu mến của người thưởng ngoạn, giới sưu tập và báo giới. Chúng tôi cũng đã giới thiệu được những họa sĩ tài năng trở thành nổi tiếng và có nhiều họa sĩ hợp tác bền vững. Dĩ nhiên có nhiều khó khăn khi hoạt động trong môi trường còn mới mẻ, các họa sĩ Việt Nam chưa quen việc hợp tác với phòng tranh. Do đó khó thực hiện tính cách chuyên nghiệp như các phòng tranh nước ngoài. Chúng tôi cố gắng trở nên chyên nghiệp, nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế khó khăn hiện tại. Cho nên chỉ có thể là bán chuyên nghiệp mà thôi. Đây cũng là “tôn chỉ” mà chúng tôi muốn con cái hiểu rõ, vì thực tế Việt Nam rất khác.

Tác phẩm đầu tay của Trần Thị Thu Hà có tên là Hoa, sơn dầu, 86 x 68cm, 1990. Luôn khẳng định việc tự học vẽ là để giúp bản thân thoát khỏi ưu phiền, không có tham vọng gì, nhưng chị sáng tác khoảng 400 tác phẩm, đã thực hiện nhiều triển lãm trong và ngoài nước, đã bán khoảng 300 tác phẩm

* Nhìn lại quá khứ một chút, tại sao năm ấy chị lại thành lập phòng tranh Tự Do - một việc chưa có tiền lệ về phép tắc - trong khi có nhiều công việc kinh doanh có vẻ dễ dàng hơn?

- Tự Do hình thành từ một sự tình cờ, nhân hợp tác với họa sĩ Rừng tổ chức triển lãm cá nhân Phòng tranh tắt đèn. Từ sự thành công bất ngờ của cuộc triển lãm đầu tiên, chúng tôi đã quyết định thành lập phòng tranh Tự Do, để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, các nhà điêu khắc Việt Nam đang thiếu sân chơi và để kinh doanh nghệ thuật, vừa làm động lực cho các họa sĩ sáng tác, vừa tạo thu nhập cho các gia đình họa sĩ và gia đình chúng tôi. Hơn 22 năm theo đuổi nghề này, chúng tôi vẫn mong muốn công việc được tiếp nối.

Tính đến đầu tháng 11/2011, Tự Do đã tổ chức tất cả 179 cuộc trưng bày, gồm 116 triển lãm cá nhân, 51 triển lãm chung và 12 triển lãm ở nước ngoài. Tính bình quân mỗi cuộc bày 20 tác phẩm, thì trong 22 năm qua, Tự Do đã giới thiệu gần 3.600 lượt tác phẩm đến với công chúng và giới sưu tầm nghệ thuật.

Phòng tranh Tự Do sẽ chuyển sang Mỹ, TP.HCM có thể sẽ vắng đi một địa chỉ yêu thích của người thưởng ngoạn và giới sưu tập tranh, nhưng sẽ có một địa chỉ mới ở phương xa. Với sự hiểu biết về nghệ thuật, về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, truyền thống kinh doanh nghệ thuật của gia đình và những kiến thức học hỏi được ở Mỹ qua nhiều năm sinh sống, tôi tin các con tôi có thể điều hành phòng tranh ở Mỹ tốt hơn. Tại đây, chúng tôi dự định vẫn sưu tập tranh của họa sĩ Việt Nam ở trong nước và hải ngoại.

* Nhìn vào bộ sưu tập khổng lồ của Tự Do, dường như nơi đây ưu tiên sưu tập các họa sĩ của Trường Mỹ thuật Gia Định và hội họa miền Nam. Tại sao có sự chọn lựa này?

- Việc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi tùy theo cơ duyên, không phải vì lựa chọn miền Nam hay miền Bắc. Còn tại sao chúng tôi có nhiều tranh của các họa sĩ miền Nam, có lẽ vì chúng tôi ở TP.HCM, gần những tác giả này hơn về mặt địa lý, nên dễ tìm đến nhau. Nhưng quan trọng nhất là khi sắp xếp được các tác phẩm đơn lẻ thành bộ sưu tập, thì chúng sẽ nói lên hành trình của các giai đoạn lịch sử hội họa.

Không gian trưng bày của gallery Tự Do

* Anh chị đã nhiều lần lên tiếng về việc “có những tác phẩm gắn liền với bối cảnh Việt Nam thì nên ở lại Việt Nam, đưa ra nước ngoài sẽ mất hết ý nghĩa, khi cần thì khó mua lại được”. Nay anh chị chuẩn bị dời sang Mỹ, có những tác phẩm đặc biệt như bộ tứ (còn tam) của Nguyễn Gia Trí, giá của nó quá cao, bảo tàng nhà nước chưa hẳn mua được, tư nhân thì lơ là. Vậy phải làm sao để “bảo tồn” ý nghĩa của nó?

- Chúng tôi sẽ chuyển các tác phẩm sưu tập của mình sang Mỹ, đó là điều hiển nhiên. Riêng bộ tranh rất có giá trị nghệ thuật và quan trọng đối với lịch sử hội họa Việt Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí, chúng tôi không muốn chuyển đi. Bởi nó xứng đáng được trân trọng lưu giữ ở Việt Nam, nhưng trước mắt, chúng tôi chưa biết phải tính sao.

* Ngoài bộ tranh đặc biệt này, còn điều gì làm chị thấy tiếc nuối nhất trong suốt hành trình làm phòng tranh ở đây?

- Trong quá trình làm phòng tranh, tôi không cảm thấy nuối tiếc. Phòng tranh đã đem lại cho gia đình tôi công việc thú vị. Vợ chồng chúng tôi có nhiều thời gian gần nhau khi làm việc chung. Phòng tranh mở tại nhà riêng nên thuận lợi cho việc nuôi dạy con cái. Cả gia đình chúng tôi đều yêu thích hội họa.

Điều thú vị nhất là tôi trở thành họa sĩ. Sống giữa những bức tranh, ngắm mãi, rồi một ngày bỗng dưng muốn cầm cọ vẽ. Lúc ngồi trước giá vẽ, tôi trút bỏ hết phiền muộn, cảm thấy hạnh phúc và yêu đời. Tháng 12/2011, tôi sẽ tổ chức triển lãm cá nhân kỷ niệm 20 năm cầm cọ (kể từ lần triển lãm cá nhân đầu tiên ngày 2/12/1991).

Phòng tranh lấy đi của chúng tôi nhiều thời gian, nhưng tôi hiểu rằng làm việc gì cũng cần phải dành nhiều thời gian cho nó. Đôi lúc tôi cũng hơi buồn vì không có nhiều thì giờ để vẽ.

* Xin cảm ơn chị và hy vọng sớm nhận được thông báo từ chị về việc phòng tranh Tự Do khai trương tại Mỹ.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link