13/11/2017 11:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Phim Thương nhớ ở ai gây tranh cãi bởi một số diễn viên nữ chỉ diện chiếc áo yếm mỏng manh, để lộ hình dáng khuôn ngực đầy đặn. Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói gì về trang phục của nữ diễn viên trong phim?
Bộ phim Thương nhớ ở ai dài 34 tập được phát sóng lúc 14h20 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 4/11. Sau bốn tập đầu, bộ phim đề tài nông thôn nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, cách xây dựng bối cảnh, diễn xuất...
Cùng với đó, Thương nhớ ở ai gây tranh cãi bởi trang phục, các nữ diễn viên chỉ diện chiếc áo yếm mỏng manh, để lộ hình dáng khuôn ngực đầy đặn. Ngôn từ của các nhân vật trong phim cũng được cho là táo bạo, có những câu từ được cho là không phù hợp để lên sóng truyền hình quốc gia với đối tượng khán giả xem phim ở nhiều lứa tuổi.
Trích đoạn phim gây nhiều tranh cãi trong "Thương nhớ ở ai"
Cho đến thời điểm hiện tại, phân cảnh phim gây bàn luận nhiều nhất là cảnh nhân vật Hơn - con dâu nhà địa chủ mặc yếm, để lộ toàn bộ phần lưng trần gợi cảm. Bà cán bộ xã ghen ghét với vẻ trẻ trung của Hơn nên yêu cầu Hơn ăn mặc kín đáo vì nhà có ông xã đội ở cùng, "để cái ngực thây lẩy như đi trêu tức người ta".
Những phân cảnh bà cán bộ xã Tí Hin có khuôn ngực đầy đặn cũng chỉ mặt chiếc yếm mỏng, chiếc áo tứ cánh khoác ngoài lả lơi tung tẩy, đi qua đi lại; có khi Tí Hin còn cởi phăng chiếc áo bên ngoài để “khiêu khích”, ve vãn Vạn - anh bộ đội mới về làng… được cho là phản cảm nhất.
Trong một số trích đoạn đăng trong chương trình VTV kết nối mới đây đã hé lộ, nhân vật Tí Hin sau này tiếp tục có những hành động “phô” vòng 1 thô bạo hơn cả những hình ảnh khán giả đã thấy trong những tập phim Thương nhớ ở ai đã phát sóng.
Câu chuyện phim Thương nhớ ở ai diễn ra vào khoảng những năm 1954 đến những năm 60 và 70, bởi vậy bối cảnh trong phim được cho là mang đặc trưng của làng quê Việt Nam thời kỳ ấy.
Nếu như trong Bến không chồng - phiên bản phim nhựa của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được quay tại 3 làng Phù Lãng, Phù Thầy và Đình Phong thì phiên bản truyền hình dài tập này, ê kíp đã sử dụng bối cảnh tại 18 ngôi làng ở nhiều tỉnh của miền Bắc. Theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, cái khó khăn nhất là phải tìm ra từ cái sân đình, sân kho, đến từng bờ kênh, con sông… để dựng lại một làng quê đẹp bình dị.
Gắn với bối cảnh là trang phục trong phim, điều quan trọng nhất là lên được không khí của những năm 50, 60, ê kíp thực hiện đã cất công sưu tầm những bộ trang phục áo cánh, áo tứ thân, áo the, yếm, khăn đội đầu… những phác thảo này chỉ có thể tìm lại được từ các làng nghề.
Không trực tiếp bàn về những tranh cãi của dư luận nhưng đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cũng chia sẻ trong chương trình VTV kết nối về trang phục của diễn viên Thương nhớ ở ai: “Trang phục thời đó như mọi người biết là đều khâu bằng tay, chất liệu bây giờ gần như là không tìm kiếm được. Cũng may mắn khi chúng tôi tìm được một số làng nghề vẫn còn giữ được cách dệt vải truyền thống và tìm ra được chất liệu. Khi có chất liệu rồi, việc thi công để lên được style của nhân vật, phải khâu tay… nói chung là cả vấn đề khi lên được trang phục như vậy”.
Mặc dù có những ý kiến cho rằng, cách ăn mặc của các nữ diễn viên phản ánh xã hội chân thực vì người người Việt xưa ăn mặc đúng như vậy. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn hoài nghi và cho rằng, việc xử lý trang phục trên phim cần khéo léo, tránh phản cảm bởi bộ phim được phát sóng trên kênh VTV3 - kênh truyền hình quốc gia không giới hạn độ tuổi khán giả xem phim.
Anh Tuấn. Ảnh: VTV kết nối
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất