12/07/2011 10:43 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - LTS: Một sự kiện đang được quan tâm của dư luận: biên kịch Phan Thanh Tú đã gửi kiến nghị tới Bộ VH,TT&DL về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước. Hôm qua (11/7), TT&VH đã nhận được bài viết của biên kịch Phan Thanh Tú và dưới đây là phần trích bài viết này.
Biên kịch Phan Thanh Tú
“Sau khi Bộ VH,TT&DL công bố danh sách các tác phẩm, cụm công trình được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực điện ảnh, nhiều đồng nghiệp đã thông báo, chia sẻ với tôi vì trong số đó có một bộ phim do tôi viết kịch bản. Đó là niềm vui hay nỗi buồn?
Tôi đã có thâm niên trong nghề biên kịch, cũng đạt được không ít giải thưởng. Nhiều đồng nghiệp nhắc nhở nên làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu NSƯT. Nhưng, cũng như các nhà văn, các nhạc sĩ, nhà biên kịch nằm ngoài tiêu chí của danh hiệu. Vậy là không có gì bức xúc. Bao nhiêu nhà văn, nhạc sĩ mà mình kính cẩn nghiêng mình đều không được danh hiệu này. Biên kịch tôi thân bèo bọt, có gì mà buồn!
Cứ phấn đấu đi, những danh hiệu “Giải thưởng Nhà nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” sẽ là cái đích nếu mình thực sự có đóng góp xứng đáng.
Các đồng nghiệp cùng thời, ngang tài, ngang sức đều là NSƯT từ lâu, sắp sửa là NSND. Biên kịch tôi có niềm tự hào của người cầm bút, không hề ganh tị, chỉ mừng cho đồng nghiệp đạo diễn, quay phim, âm thanh, ánh sáng được Nhà nước ta ưu ái.
Trong đợt xét Giải thưởng Nhà nước lần này, một số bạn bè tính cơ số giải thưởng của tôi cũng kha khá, mới giục tôi làm hồ sơ xin được xét giải thưởng. Nhưng tôi cứ thấy thế nào ấy. Còn bao bậc đàn anh kì tài vẫn chưa được xét giải thưởng này. Vậy nên tôi nghĩ sẽ chờ đợi một dịp thích hợp hơn.
Trong số tác giả được Hội đồng của Bộ VH,TT&DL đưa lên cấp cao hơn để xét Giải thưởng Nhà nước có đạo diễn Nguyễn Thước với 3 bộ phim tài liệu: Sự nhọc nhằn của cát, Chất xám, Những công dân @. Trong số này, giải thưởng quốc gia cao nhất cho phim chỉ là Bông sen bạc của Sự nhọc nhằn của cát. Nhưng giải cá nhân cho biên kịch lại cao hơn, giải Bông sen vàng. Phim Những công dân @ chỉ được “Bằng khen” của BGK trong LHP 14. Phim Chất xám duy nhất chỉ được giải Bông sen vàng cho biên kịch Phan Huyền Thư, ngoài ra không đạt giải nào khác trong LHP Quốc gia 16. Mặc dù cả 3 phim đều được giải Cánh diều của Hội Điện ảnh ở thứ hạng cao thấp khác nhau nhưng đó là một cuộc chơi của Hội nghề nghiệp, không mang tầm Quốc gia để xét Giải thưởng Nhà nước...
Tôi là người sôi nổi nhưng lại không thích ầm ĩ, càng không thích chuyện kiện tụng. Tuy nhiên, tôi luôn mơ ước và muốn được hưởng sự công bằng... Tưởng là chuyện bình thường, hóa ra lại thành chuyện ầm ĩ. Báo chí đăng tin, phỏng vấn, đối tượng phản hồi, muốn im lặng cũng chẳng được... Đạo diễn Nguyễn Thước nói với báo chí rằng tôi và Phan Huyền Thư coi thường đồng nghiệp là không có căn cứ, là chụp mũ. Việc kiến nghị là công khai; lời lẽ phải đúng mực cấp trên mới xem xét...
Nói về nghề biên kịch, đó là công việc nhọc nhằn và khó, không nhiều người muốn làm và làm được. Hiện tại ở cả truyền hình và ở các hãng phim, lúc nào cũng thiếu kịch bản phim tài liệu... Tuy nhiên, đã là nghiệp rồi thì cũng quen, vẫn viết ra kịch bản được duyệt...
Trong đời làm nghệ thuật, chắc ai cũng ít nhiều mơ đến giải thưởng. Có lúc cố quá cũng không được. Nhưng đôi khi “cố quá” cũng có kết quả!!! Báo chí đăng nhiều thì thành ra “thương hiệu”. Còn người ta có phục hay không lại là một chuyện khác. Trong chuyện này, mọi việc nên rõ ràng... Thời gian vẫn còn nhiều, đạo diễn Nguyễn Thước cũng như hai nhà biên kịch chúng tôi vẫn có thể có cơ hội để giành giải thưởng cho mình, để tích điểm, chờ đến một ngày...”.
(*): Title do TT&VH đặt
Phan Thanh Tú
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất