Xét xử vụ án cố ý làm trái tại Navibank: Các bị cáo nói lời sau cùng

16/03/2018 19:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã bước vào những phần tranh luận cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Ngoài ra, các bị cáo cũng đã nói lời sau cùng tại phiên xét xử.

Navibank phản bác về đề nghị thu hồi hơn 24 tỷ đồng 

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Trước đó tại phiên tòa, ngày 12/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – được sự ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại tòa đã yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên thu hồi số tiền hơn 24 tỷ đồng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chuyển cho các bị cáo ở Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân – NCB) để xung công quỹ Nhà nước vì cho rằng đây là số tiền mà Navibank thu lợi bất chính. Số tiền này theo cáo trạng thì Huỳnh Thị Huyền Như đã chuyển hơn 15 tỷ đồng đến tài khoản của Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên Trưởng phòng Kế toán) và giao bằng tiền mặt hơn 9 tỷ đồng cho Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn). 

Tại phiên xử ngày 16/3, đại diện Ngân hàng Navibank đã có những phản bác đối với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Theo đại diện Navibank, đề nghị của Viện Kiểm sát là không có cơ sở, “không đúng về lý và về tình”. Nếu bảo lưu quan điểm, đại diện Navibank cho rằng Viện Kiểm sát phải xác minh làm rõ số tiền hơn 24 tỷ đồng này là bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt từ tổ chức, cá nhân cụ thể nào và cho trích xuất bị cáo Huyền Như để đối chất. 

Theo Hội đồng xét xử, trong các phiên tranh tụng những ngày qua, quan điểm của các bị cáo và các luật sư là các bị cáo không vi phạm Thông tư 02 và Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước, không vi phạm Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng. Các bị cáo cho rằng trong quá trình hoạt động nghiệp vụ có sai sót nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ án. Đồng thời hiện nay trong các tài khoản của nhân viên Navibank gửi tiền tại Vietinbank có số tiền khoảng 300 triệu đồng và số liệu này hiện chưa được làm rõ. Một vấn đề nữa là: Theo như cáo trạng luận tội, bị cáo Đoàn Đăng Luật là người đã bị Huyền Như “dẫn dụ” bằng lãi suất cao, tuy nhiên kết quả diễn biến tại phiên tòa và phần xét hỏi bị cáo Huyền Như thì không có việc Đoàn Đăng Luật hay lãnh đạo, cán bộ nào của Navibank tiếp xúc trực tiếp với Huyền Như. 

Cũng theo Hội đồng xét xử, trong phần luận tội đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra công văn của bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó Tổng giám đốc Navibank) ký với tư cách đại diện Navibank cho rằng Navibank có chủ trương gửi tiền ở ngân hàng khác lấy lãi suất. Nhưng tại phiên tòa thì bị cáo Đoàn Đăng Luật cho biết, chủ trương này có từ năm 2010, vào thời điểm trước khi có Thông tư 02. Các bị cáo cũng phủ nhận họp hội đồng sau khi Thông tư 02 có hiệu lực và cho rằng cáo trạng quy kết là không có căn cứ. Một vấn đề nữa là trong khi tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát cũng thừa nhận việc không đưa hai bản án của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào hồ sơ vụ án này là một thiếu sót. 

Các bị cáo nói lời sau cùng 

Chú thích ảnh
Các bị cáo lần lượt nói lời sau cùng tại phiên tòa. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Hội đồng xét xử tổng kết, giữa hai quan điểm bào chữa và luận tội có sự mâu thuẫn, việc tiếp tục tranh luận sẽ không giải quyết được vấn đề. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát cũng hai lần có ý kiến chấm dứt tranh luận vì cho rằng đã tranh luận đầy đủ. Vấn đề đánh giá quan điểm bào chữa, quan điểm luận tội sẽ được Hội đồng xét xử xem xét trong quá trình nghị án.

Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank cho biết, kể từ khi bị khởi tố đến khi ra tòa, bị cáo đã gửi khiếu nại đến nhiều nơi nhưng không nhận được sự hồi âm nào. Bị cáo Trí cho rằng bản thân không phạm tội, các giao dịch đều hợp pháp. Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử chưa vội đưa ra phán quyết nếu còn điều chưa sáng tỏ, mong Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách công tâm, khách quan, phán quyết công bằng. Ngoài ra, các bị cáo khác cũng trình bày hoàn cảnh, quá trình công tác, khẳng định mình không phạm tội, không tư lợi và mong Hội đồng xét xử xem xét. 

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 14 – 15 năm tù đối với nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí; từ 12 – 13 năm tù đối với Nguyễn Giang Nam, Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp); từ 10 – 11 năm tù đối với hai nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương và Nguyễn Hùng Sơn; từ 9 – 10 năm tù đối với Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng); từ 8 – 9 năm tù đối với Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Pháp chế) và Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Dự kiến, Hội đồng xét xử tuyên án vào ngày 19/3.

Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại Navibank

Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại Navibank

Ngày 28/2, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Navibank (nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân - NCB).

Nguyễn Chung (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link