23/04/2021 14:48 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 23/4, trong phần xét hỏi tại phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh của người xây dựng dự thảo, tham mưu, trình ký các văn bản đề xuất chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh).
Bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt ra một số câu hỏi đối với lãnh đạo Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco) xung quanh các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư… Bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sabeco), ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước của Bộ Công Thương tại Sabeco) đều cho rằng đã ký các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư bởi áp lực từ nhiều phía.
Đó là áp lực từ việc Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) không có tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Thêm vào đó là áp lực về vốn xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ đồng và áp lực từ phía lãnh đạo Bộ Công Thương thường xuyên nhắc nhở, phê bình, yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư. Ông Phan Đăng Tuất còn cho biết, suốt thời gian thực hiện dự án, ông nhận được sự chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Nam Hải và Hồ Thị Kim Thoa, còn bị cáo Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng đi đàm phán ở nước ngoài nên không có chỉ đạo gì. Bản thân ông Tuất cũng chưa lần nào bị Bộ trưởng gây áp lực.
Liên quan đến công văn số 3512/SKHĐT-PTHT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, bị cáo Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) thừa nhận đã không lấy ý kiến các sở, ngành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín.
Tại phiên tòa, các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND thành phố của người xây dựng dự thảo, tham mưu, trình ký. Các bị cáo Lê Quang Minh, Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các bị cáo đã căn cứ vào Luật Đầu tư, doanh nghiệp đã được thành lập và có tư cách pháp nhân. Các bị cáo cũng đã kiểm tra tình hình góp vốn theo tỷ lệ của các nhà đầu tư bằng cách yêu cầu Hội đồng quản trị Sabeco Pearl bổ sung văn bản cam kết và có xác nhận của thành viên Hội đồng quản trị.
Bị cáo Lâm Nguyên Khôi cho rằng, nhận thức của bị cáo là việc lập doanh nghiệp đã có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và các văn bản trình ký là bước đầu để doanh nghiệp có tư cách thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Bị cáo Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố) cho rằng trách nhiệm kiểm tra, rà soát cơ sở pháp lý của các văn bản thuộc về các sở chuyên môn. Bị cáo thấy đủ hồ sơ thủ tục nên đã tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra các quyết định liên quan đến dự án này.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.
Mặc dù chưa lấy ý kiến liên ngành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, ngày 24/4/2015, bị cáo Lê Quang Minh đã tham mưu, đề xuất bị cáo Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ký Công văn số 3512/SKHĐT-PTHT đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Ngày 7/5/2015, bị cáo Nguyễn Thanh Chương đã tham mưu, đề xuất bị cáo Lê Văn Thanh ký Tờ trình (không số) tham mưu, đề xuất bị cáo Nguyễn Hữu Tín chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3512/SKHĐT-PTHT nêu trên, gửi kèm dự thảo đề xuất bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký Công văn số 2493/UBND-ĐTMT ngày 11/5/2015, với nội dung: Chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các thủ tục đầu tư, nghĩa vụ tài chính đối với khu đất.
Cũng trong phần thẩm vấn sáng 23/4, bị cáo Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) cho rằng, các văn bản do bị cáo tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng ký đều đã được lấy ý kiến của vụ chức năng khác trong Bộ Công Thương qua hai hình thức: Văn bản hoặc thư điện tử. Bị cáo Dũng cũng khai, trong các cuộc họp, không có cá nhân hay bộ phận nào cảnh báo với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc đầu tư ngoài ngành, về việc vi phạm quản lý đất đai. Bản thân bị cáo Phan Chí Dũng cũng nhận thức rằng đây là dự án xây dựng trụ sở cho Sabeco nên là dự án trong ngành, phục vụ ngành.
Theo cáo trạng, các bị cáo Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng đã trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo Bộ Công Thương duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính; chấp thuận cho Sabeco liên kết thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, các bị cáo đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.
Chiều 23/4, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Kim Anh – Nguyễn Cúc/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất