18/03/2011 14:51 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Mang diễn xướng hầu đồng từ không gian tâm linh của miếu, phủ lên sân khấu hộp để trở thành một màn biểu diễn của nghệ thuật múa và kịch hình thể, đó là chương trình biểu diễn có tên Tâm linh Việt mà đoàn kịch 3 Nhà hát Tuổi Trẻ vừa dàn dựng.
1. Tối 16/3/2011, trời mưa nặng hạt. Ngoài báo giới, lượng khán giả tới Nhà hát Tuổi Trẻ chủ yếu là bạn nghề. Ngoài quan hệ đồng nghiệp, việc họ có mặt trong đêm tổng duyệt của Tâm linh Việt cũng từ một sự quan tâm nặng tính chuyên môn: đây là lần đầu tiên, các diễn xướng của hầu đồng Việt Nam được đưa lên sân khấu một cách đầy đủ và trọn vẹn. Khoảng 10 năm trước, NSND Trần Minh đã cách điệu và dàn dựng tiết mục 3 giá đồng cho sân khấu chèo và được NSƯT Vân Quyền biểu diễn khá thành công, tuy nhiên thời lượng cho chương trình chỉ kéo dài hơn 10 phút.
Hơn 60 phút biểu diễn, sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ luôn tràn ngập các diễn viên kịch hình thể. Khói hương nghi ngút, NSLD Lan Hương trong bộ áo dài đỏ là người bước ra, thắp nén hương đầu tiên trên bàn thờ Mẫu. Rồi từng người, từng người, bằng ngôn ngữ cơ thể giàu tình biểu trưng, các giá đồng tiêu biểu của nghi lễ thờ Mẫu được tái hiện lại trong những làn điệu chầu văn của NSƯT Văn Chương (đoàn chèo Hà Tây). Ở đó, tứ trụ của chiếu hầu đồng được cách điệu bằng 2 cặp nam nữ trong sắc phục màu trắng tinh khôi, còn hàng chục diễn viên cả nam lẫn nữ lần lượt hóa thân làm các thanh đồng: cô Bơ, cô Bẩy, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bẩy, cậu Hoàng bé...
Lạ thì có, còn Tâm linh Việt có thực sự thuyết phục không, điều đó cần sự tranh luận và phân tích của giới sân khấu. NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN chia sẻ: Khát khao đi tìm cái mới là một nét cá tính đặc trưng của Lan Hương. Việc hướng tới một sân khấu phi ngôn ngữ, dùng hình thể, hội họa, âm nhạc, múa... để chuyển tải nội dung vở diễn là xu hướng khá phổ biến trên thế giới. Tâm linh Việt bước đầu làm được công việc này khi đưa khán giả luôn đi giữa 2 không gian ảo - thực của vở diễn. Tiếc là cái phần hư ảo của sân khấu hơi ít, nếu bổ sung thì sẽ tốt hơn.
Màn hầu đồng kết hợp kịch hình thể trong vở diễn
- Ý tưởng dàn dựng Tâm linh Việt đã được chúng tôi đưa ra từ rất lâu, nhưng tới giữa năm 2010 vừa rồi mới có điều kiện bắt đầu triển khai. Nó nằm trong bộ 3 chương trình về văn hóa truyền thống mà chúng tôi muốn thử nghiệm dàn dựng cho sân khấu. 2 chương trình sắp tới sẽ có tên Tre Việt Nam và Đàn bầu. Nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng kịch hình thể để mô phỏng giới thiệu các nét văn hóa tâm linh của họ với khách du lịch. Chúng tôi đang thử nghiệm để làm điều ấy.
* Quan điểm đạo diễn của chị khi dàn dựng hầu đồng trên sân khấu?
- Diễn xướng hầu đồng hấp dẫn khán giả chủ yếu từ sức nặng tâm linh, chứ không hẳn bởi độ tinh tế của trình diễn. Bởi thế, chúng tôi muốn đưa cái “thần” của diễn xướng hầu đồng lên sân khấu, chứ không phải là những mô phỏng bắt chước theo. Ngoài ra, hầu đồng có tới hàng chục giá đồng, một buổi hầu đồng có thể lên tới 8-10 tiếng. Để tái hiện 12 giá đồng cơ bản trên sàn diễn, người thực hiện chỉ có cách tuyển chọn những nét hấp dẫn nhất và đưa ra mang tính tượng trưng.
* Nhìn lại Tâm linh Việt, có điều gì khiến chị chưa vừa ý?
- Vẫn là vấn đề muôn thuở về kinh phí của đoàn kịch hình thể thôi. Tự đầu tư, chúng tôi phải tiết kiệm hết mức có thể. Bản thân thiết kế sân khấu chủ yếu cũng dùng đồ “nhặt lại” từ các vở diễn khác. Ý tưởng muốn dàn dựng một không gian tâm linh ngay từ khán phòng phía ngoài sân khấu, tôi cũng không thực hiện được vì lý do ấy.
Thật ra, Tâm linh Việt dàn dựng được cũng một phần nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, trong đó có một số cô đồng trực tiếp tới xem và rất thích chương trình này. Tôi hy vọng, nếu được đánh giá tốt, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tạo điều kiện về sàn diễn, âm thanh thiết bị... để Tâm linh Việt có thể biểu diễn phục vụ khán giả.
* Xin cảm ơn chị!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất