Cấm rượu bia: Kiên trì và vất vả

21/11/2015 07:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới, gần 100 nước có quy định về giờ cấm bán rượu bia, nhiều nước áp dụng quy định tuổi được phép uống rượu bia.

Ở nước ta, việc đưa ra các quy định để phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia với sức khỏe, năng suất lao động, bạo lực gia đình và nhất là tai nạn giao thông là quá trình... kiên trì và vất vả.

Kiên trì...

Năm 2012, lần đầu tiên Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm cấm cán bộ công chức uống rượu bia: "Cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa. Buổi chiều anh uống rượu rồi về nhà ngủ thì không ai cấm".

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề xuất, trong quý 2 năm 2012 UBND các tỉnh, thành, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, xử lý nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

Sau đó, UBND thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành như Long An, Kon Tum, Bắc Giang, Quảng Nam cũng đã đưa ra chỉ thị cấm cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa. Tuy vậy, cho đến hết năm 2015 cũng chỉ có 5 tỉnh thành thực hiện theo chỉ thị của Phó thủ tướng.


Công an TP.HCM kiểm tra quán bar lớn trên đường Hồ Huấn Nghiệp, Phường Bến Thành hoạt động sau 0h, đồng thời đo nồng độ cồn của những người rời bar tham gia giao thông. Ảnh: TTXVN

Năm 2013, lần thứ 2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đề nghị 63 tỉnh thành triển khai quy định cấm cán bộ, công chức uống bia rượu vào buổi trưa. Phó Thủ tướng khẳng định: "Quy định này vừa giúp tiết kiệm, chống lãng phí, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, nhưng hiện chỉ có 5 tỉnh thành thực hiện. Cả nước cần nhân rộng quy định này".

Mở màn cho “chiến dịch” cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc ở miền Tây là tỉnh Long An. Từ 2007, Long An đã có văn bản cấm. Sau đó năm 2009 tỉnh Bến Tre rồi TP Cần Thơ vào năm 2012. Bắt đầu cuối năm 2012, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng loạt các tỉnh miền Tây đều có văn bản “cấm”.

Mới nhất hưởng ứng “phong trào” này có thể nói là tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/9/2015, tỉnh yêu cầu cán bộ, đảng viên không uống rượu, bia từ 6h30 đến 17h trong các ngày làm việc, ngày trực, không say rượu nơi công cộng và ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của ngày hôm sau. Các tổ chức đảng, các đơn vị, cán bộ, đảng viên khi tổ chức liên hoan, chiêu đãi, tiếp khách, hội thảo, tổng kết… vào buổi trưa không được sử dụng rượu, bia.

... vất vả vận động

Bên cạnh quy định công chức không uống rượu bia, đã có một loạt đề xuất, quy định hạn chế tình trạng nhậu nhẹt tràn lan.

Từ năm 2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định các loại rượu đều phải có nhãn mác, hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép. Trường hợp không có giấy phép bị cấm lưu hành.

Lạm dụng rượu bia khiến xã hội rệu rã

Lạm dụng rượu bia khiến xã hội rệu rã

Lạm dụng rượu bia trở thành ám ảnh từ người dân tới các doanh nghiệp và cả hệ thống công quyền. Dùng rượu bia mọi lúc, mọi nơi khiến xã hội rệu rã, ì ạch và trật tự xã hội cũng trở nên ngả nghiêng theo những cuộc vui vô tội vạ.


Như vậy, tất cả các loại rượu "quê" được nấu thủ công và bán phổ biến ở mọi vùng miền sẽ bị xử lý, nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất và gắn nhãn mác. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, rượu "quê" vẫn được nấu bình thường và người dùng vẫn thoải mái mua, rất khó xử lý.

Năm 2013, Công an TP HCM từng đề xuất cấm kinh doanh rượu bia sau 22h và chỉ cho phép bán tại một số khu vực nhất định, có sự giám sát của địa phương. Tuy nhiên lãnh đạo thành phố không thông qua đề xuất này.

Năm 2014, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h tại dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Dự luật nêu rõ 3 phương án: Một là cấm bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h đến 6h sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phương án hai, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với thực tế của địa phương.

Còn phương án 3 là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác. Bộ cũng lấy ý kiến người dân về việc này. Nhưng rồi mọi việc lại chìm vào im lặng.

Mới nhất, tháng 4/2015 Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tiếp tục kiến nghị cấm bán rượu bia sau 22h đến 6h ngày hôm sau. Vụ nêu dẫn chứng một số nước đã cấm bán rượu bia trong thời gian nhất định và có hiệu quả như Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị, cửa hàng từ 22h đến 6h hôm sau, Thái Lan, Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17h đến 22h…

Tuy vậy, đó là việc... nước ngoài, còn hạn chế sử dụng rượu bia, nhậu nhẹt  tràn lan ở ta vẫn là quá trình vất vả và kiên trì.

(Còn tiếp)

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link