04/09/2019 08:04 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 3/9, chương trình nghệ thuật “Mùa thu nhớ Bác” chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 (3/9) do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã làm xúc động hàng trăm khán giả có mặt trong đêm diễn.
Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng, dàn Hợp xướng (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), Dàn nhạc Dân tộc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Dàn quân nhạc (Đoàn nghi lễ Quân đội) và các nghệ sỹ nổi tiếng như: Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, ca sỹ Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh…
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây 59 năm, ngày 3/9/1960, tại Công viên Bách Thảo, Bác Hồ đã bắt nhịp cho hợp xướng, dàn nhạc cùng quần chúng nhân dân hát vang bài ca Kết đoàn trong dạ hội mừng Đại hội Đảng lần thứ 3 và chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Hình ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Ngày Âm nhạc Việt Nam đã diễn ra liên tục trong 10 năm qua, là bức tranh sinh động về âm thanh, thể hiện diện mạo của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đi từ truyền thống đến hiện đại, một nền âm nhạc đang trên đà phát triển và hội nhập, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những hoạt động trong Ngày hội Âm nhạc Việt Nam diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình đặc sắc và phong phú, từ hình thức nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ, hòa tấu cho các nhạc cụ dân tộc, đến các ca khúc đi cùng năm tháng, những gương mặt tài năng trẻ là những ca sỹ, nghệ sỹ biểu diễn trên các lĩnh vực. Các hoạt động được tổ chức rộng khắp các tỉnh, thành, với sự phối hợp giúp đỡ của các nhà hát, các đoàn văn công, các Hội Văn học nghệ thuật, các Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại các tỉnh thành. Đây là hoạt động văn hóa xã hội được công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Ngày Âm nhạc Việt Nam thực sự trở thành ngày hội truyền thống của giới âm nhạc và lan tỏa rộng rãi tới công chúng cả nước.
Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là 50 năm ngày Bác Hồ đi xa. Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Mùa thu nhớ Bác" để tưởng nhớ Người và mang đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc đặc sắc của các nhạc sỹ nổi tiếng trong nền âm nhạc Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật “Mùa thu nhớ Bác” gồm 14 tiết mục. Bên cạnh các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Trông cây lại nhớ đến Người của nhạc sỹ Đỗ Nhuận; Người là niềm tin tất thắng của nhạc sỹ Chu Minh…, chương trình còn có các tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam như: Tiếng đàn bầu của nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc, Xa khơi của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, Người Hà Nội của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, Bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của Nguyễn Văn Thương (thơ Tố Hữu)…
Bên cạnh các ca khúc nổi tiếng, trong chương trình này, khán giả còn được thưởng thức nhiều tác phẩm khí nhạc do Dàn nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trình tấu như: Hòa tấu Ngày hội của Nguyễn Chín; hòa tấu đàn bầu và dàn nhạc dân tộc Vì miền Nam của nhạc sỹ Huy Thục; hòa tấu Chung một niềm tin của Xuân Khải…
Đặc biệt, khán giả còn được nghe hai trích đoạn Opera gồm: Aria Nhớ núi Ngũ Hành trích trong vở Opera Người tạc tượng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận và Duo Tình yêu trích trong vở Opera Lá đỏ của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.
Diễn ra đúng vào dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là 50 năm ngày Bác đi xa, trong không gian của Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 với chủ đề “Mùa thu nhớ Bác”, các nghệ sỹ và khán giả cùng hòa mình trong những giai điệu âm nhạc đầy cảm xúc, vừa tri ân, tưởng nhớ đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất