18/05/2024 15:26 GMT+7 | Văn hoá
Trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975) đang diễn ra tại Bảo tàng TP.HCM là câu chuyện sinh động và xúc động về một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, đó là việc có hơn 12.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc, gần như lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đã có hơn 200.000 người từ miền Nam ra miền Bắc trong các năm 1954 và 1955. Theo số liệu lập vào tháng 7/1973, các niên học từ 1956 - 1957 đến 1972 - 1973 số học sinh miền Nam trên đất Bắc (tính luôn ngoài nước) là 12.539 người, số đã vào các trường trung học trong và ngoài nước là 2.918 người.
Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, hiện vật về học sinh miền Nam trên đất Bắc, bao gồm cả học sinh ở Trung Quốc. Cũng nhân dịp này, 11 cựu học sinh miền Nam đã gửi tặng Bảo tàng TP.HCM 63 hiện vật và 126 bức ảnh tư liệu về giai đoạn đặc biệt này.
Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh (đại diện Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương), hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam mới có một cộng đồng đông đảo người miền Nam tập kết trên đất Bắc, trong đó có các thế hệ học sinh miền Nam. "Hành phương Bắc, thay vì hành phương Nam, đã tạo nên một cuộc giao lưu, giao thoa văn hóa và lối sống rất hiếm gặp, tạo ra vài thế hệ công dân đặc biệt" - bà Thế Thanh nói.
Còn theo ông Huỳnh Văn Thòn (Phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương) thì: "Mỗi chúng ta hôm nay không được quên rằng, trong khi cha mẹ đang chiến đấu, hy sinh quên mình cho công cuộc giải phóng đất nước, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được nuôi dưỡng, đào tạo trong một môi trường tận tình, chu đáo, trách nhiệm và tình thương cao cả của các thấy giáo, cô giáo, của các cô chú phục vụ; sự đùm bọc, che chở, yêu thương, chăm sóc của bà con nơi sở tại, của chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó tập trung nhất là các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng…".
Ngoài ra, các học sinh còn học ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Đông, Hải Dương, Thái Bình, Hà Bắc, Hải Hưng, Bắc Thái, Quảng Ninh...; và sang cả Khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (tỉnh quảng Tây, Trung Quốc) và nước Cộng hòa dân chủ Đức".
Học sinh miền Nam trên đất Bắc kết thúc hoạt động vào tháng 8/1975, gần như tất cả được đưa trở về miền Nam để tiếp tục học tập. Nhưng cũng có hàng ngàn người trưởng thành trong giai đoạn này đã gia nhập lực lượng quân đội, công an nhân dân, hoặc trở về miền Nam tham gia chiến đấu trước tháng 4/1975.
Ngoài một ít khí giới và hiện vật liên quan trực tiếp tới đấu tranh/chiến tranh, còn đa số hiện vật gắn bó mật thiết với sinh hoạt, đời sống và việc học tập của các học sinh miền Nam. Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng qua các hiện vật có thể thấy các lớp học đã diễn ra với trình tự và có bài bản nhất định. Sự bài bản được nhận thấy từ sổ liên lạc, giáo án, bài thi, bằng khen, cho tới thể thao, ký túc xá, chụp hình lưu niệm…
Một điều đặc biệt nữa, đó là nhiều hiện vật gắn bó với những người còn sống, nên câu chuyện và sử liệu thêm sống động. Hàng ngàn học sinh miền Nam hiện còn giữ những kỷ vật quý, những cuộc trưng bày như thế này có thể sẽ thu hút họ cung cấp, cho mượn, biếu tặng cho bảo tàng trong tương lai không xa.
Trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên đất Bắc kéo dài đến hết 30/7/2024.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất