"Xuyên không" để về với Thị Mầu

19/11/2024 15:02 GMT+7 | Văn hoá

Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 vừa qua, chương trình nghệ thuật Thị Mầu xuyên không (kết hợp với triển lãm Chèo nảy chèo nay) đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả trẻ khi đưa họ đến với nghệ thuật chèo cổ bằng những tiếp cận đa giác quan đầy sáng tạo.

1. Diễn ra tại Rạp Công nhân (số 42 Tràng Tiền, Hà Nội), Thị Mầu xuyên không nằm trong dự án Giáo dục Di sản, do Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam khởi xướng và điều hành. Hướng đến đối tượng chính là học sinh từ lớp 4, lớp 5 trở lên, chương trình kéo dài với tổng thời lượng 2 tiếng và chia làm 2 trạm.

Trạm thứ nhất là vở diễn cùng tên, được đạo diễn Ninh Quang Trường chuyển soạn từ nguyên tác vở chèo Quan Âm Thị Kính. 2 nhân vật chính trong vở là Tommy và Lucy - những học sinh dự định tham dự cuộc thi tài năng tại trường và muốn tìm hiểu vở chèo Quan Âm Thị Kính để dàn dựng tiết mục thi.

"Xuyên không" để về với Thị Mầu - Ảnh 1.

Trên sân khấu chèo của chương trình cùng xuất hiện nhân vật thuộc về thời quá khứ và nhân vật đến từ thời hiện đại

Trong vai trò người kể chuyện, họ lồng ghép vào cuộc đối thoại những thắc mắc chung của thế hệ trẻ hiện nay về lịch sử, bối cảnh xã hội phong kiến và tác phẩm kinh điển này, chẳng hạn: Tại sao người phụ nữ thuở xưa không được xuống tóc đi tu? Tại sao không chồng mà chửa lại mang tội nặng? Nhờ đó, Tommy và Lucy tạo cầu nối đưa khán giả hiện đại đến gần hơn với các nhân vật trong tích chèo cổ.

Theo đạo diễn, tác phẩm gốc Quan Âm Thị Kính kéo dài gần 3 tiếng nên khó có thể đưa toàn bộ vào chương trình biểu diễn. Thêm nữa,nguyên tác có nhiều chi tiết, từ ngữ khó hiểu với người trẻ hiện nay, gây hạn chế trong cảm thụ. Nên, từ khi "thai nghén" ý tưởng vở diễn này, anh cùng các cộng sự đã đi khảo sát, lắng nghe tâm tư của các bạn học sinh. "Đây là phương pháp chúng tôi dạy lịch sử, văn hóa truyền thống dựa trên mối quan tâm của phần lớn học sinh hiện nay" - anh cho biết.

"Xuyên không" để về với Thị Mầu - Ảnh 2.

Mạch câu chuyện “Quan Âm Thị Kính” được kể lại qua ngôn ngữ mới mẻ, hiện đại của 2 bạn trẻ Tommy và Lucy

"Gói" vở diễn trong 60 phút, theo anh Ninh Quang Trường, đó là thời lượng đủ để các bạn học sinh cảm thụ được. Tuy nhiên, anh cùng các cộng sự không đơn giản là thu ngắn một cách cơ học, mà kể lại câu chuyện xưa cũ ấy, theo mạch quan tâm của các bạn học sinh về thân phận chìm nổi của Thị Kính.

Như chia sẻ, đạo diễn này chưa kỳ vọng các bạn trẻ sẽ ngay lập tức hiểu về chèo nói riêng hay nghệ thuật truyền thống nói chung. Nhưng trong 1 tiếng, các bạn được thưởng thức, nắm được diễn biến chính của một vở chèo kinh điển đã là một thành công đáng kể.

Ngoài ra, theo nghệ sĩ Đinh Thảo (Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam), việc chọn phát triển từ nguyên tác Quan Âm Thị Kính là do trong chương trình môn ngữ văn, các bạn học sinh đã có dịp được tiếp xúc với văn học dân gian nói chung, chèo nói riêng và một số nhân vật trong nguyên tác thông qua các trích đoạn. Và tuy là vở chèo cổ, nhưng đời sống của các nhân vật vẫn còn đâu đó biểu hiện ở những con người, những tính cách trong đời sống hiện đại - như nhân vật "mẹ Đốp" là điển hình.

"Xuyên không" để về với Thị Mầu - Ảnh 3.

Nhân vật Lucy đưa khán giả trở về với quá khứ, gặp gỡ các nhân vật trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”

2. Sang trạm thứ 2, khán giả được giao lưu, tương tác trực tiếp với nhạc công, qua đó hiểu thêm những nhạc cụ chủ đạo được diễn tấu trong một vở chèo. Chẳng hạn, tại sao các loại đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị có tên gọi như vốn có? Chúng có âm thanh ra sao và có điểm gì khác với những loại nhạc cụ tương tự trên thế giới?

Trong lần hiếm hoi đứng trên sân khấu chính, nhạc công đàn bầu Đinh Tiến Sinh (Nhà hát Chèo Việt Nam) bày tỏ niềm vui trước sự gần gũi cùng khán giả. Như lời kể, đạo diễn Ninh Quang Trường đã phải thuyết phục rất lâu để đưa được nhạc công lên sân khấu chính, khi họ chủ yếu chỉ quen giao tiếp với khán giả qua tiếng nhạc.

"Xuyên không" để về với Thị Mầu - Ảnh 4.

Khán giả ở nhiều độ tuổi hào hứng với triển lãm “Chèo nảy chèo nay”

Và, sự cổ vũ của khán giả phía dưới như thể xóa nhòa cảm xúc ngại ngần ban đầu của các nhạc công khi lên sân khấu. Đáp lại, các nhạc công đã trình bày các bài nhạc "gây bão" trên các nền tảng mạng xã hội, như dành tặng món quà tới người xem và cũng là một cách giúp cho thanh âm của các nhạc cụ dễ ghi vào lòng khán giả trẻ hơn. Thậm chí, người xem được lên sân khấu để thử chơi một đoạn trống với sự hướng dẫn của nhạc công.

Thành công của Thị Mầu xuyên không được đón nhận với những tràng pháo tay, những tiếng reo hò của các khán giả ngồi trên khán đài. Theo chia sẻ từ đạo diễn Ninh Quang Trường, vở diễn đã được lên kế hoạch liên kết tổ chức biểu diễn tại các trường phổ thông - trước tiên là trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đó, chương trình sẽ được duy trì như những buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các nhà trường tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 71 Kim Mã).

Còn theo nghệ sĩ Đinh Thảo, để tác phẩm được hoàn chỉnh nhất, đội ngũ thực hiện sẽ liên tục đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, nội dung chương trình tương tác xung quanh sân khấu cũng cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, trong tương lai, những vở chèo kinh điển khác như Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, hay những loại hình nghệ thuật khác, cũng sẽ được cân nhắc để đưa vào những chương trình sắp tới của dự án Giáo dục Di sản.

"Chèo nảy chèo nay"

Tại chương trình, trước khi bắt đầu vở diễn vào lúc 19h, khán giả còn được tham quan không gian triển lãm có tên Chèo nảy chèo nay. Đây là sự kiện trưng bày các nhạc cụ dân tộc, ấn phẩm, tranh vẽ liên quan đến các thời kỳ phát triển của chèo và các tuyến nhân vật tiêu biểu trong chèo. Ngoài ra, khán giả còn có thể quét mã QR trên điện thoại để trải nghiệm "hóa thân" vào một số nhân vật trong các vở chèo kinh điển.

Phúc Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link