Những bến sông làm giặc phương Bắc khiếp vía (3)

09/08/2012 13:42 GMT+7 | Thế giới

Kỳ 3: Về bến “Chương Dương cướp giáo giặc”

(TT&VH) - Theo hữu ngạn đê sông Hồng, chúng tôi tìm về bến Chương Dương nơi ghi dấu chiến thắng oanh liệt góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285. Địa danh lẫy lừng này ngày nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 cây số.

Trước sự bào mòn của thời gian, sự lấp bồi của dòng sông Cái, quần thể chứng tích năm xưa chỉ là một bến đò mênh mang sóng nước, một ngôi đền nhỏ dựng trên nền ngôi đền nghìn năm tuổi và gốc đa phủ bóng thời gian.



Thủ từ Đào Duy Khải

Chiến công lẫy lừng, đổi đình thành đền

Đến xã Chương Dương, hỏi đường ra bến nước, mấy cụ trong làng chỉ bóng cây đa ngoài đê bảo, cứ theo hướng cây đa là tới đền Chương Dương, còn bến đò cách đó vài trăm mét.

Đền nhỏ im lìm dưới bóng cây. Một rẻo đất thanh bình rợp bóng tre, những vườn chuối và những bãi cát chạy dài. Thủ từ đền là ông Đào Duy Khải ngoài 70 tuổi, vốn là một ông giáo về hưu đưa chúng tôi thăm đền.

Đền còn giữ được 28 đạo sắc phong từ các đời vua. Theo các sử liệu này, đền được xây dựng từ thời Dương Tam Kha, đã hơn nghìn năm tuổi. Dương Tam Kha vốn là con tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, là em ruột Dương Hậu, vợ Ngô Quyền. Ngô Quyền là con rể nhưng lại được Dương Đình Nghệ giao trách nhiệm gìn giữ đất nước, Dương Tam Kha làm bộ tướng của Ngô Quyền.

Khi Ngô Quyền mất, ủy thác cho Dương Tam Kha trông coi mấy người con là Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Ngập nắm triều chính nhưng hay rượu chè, bỏ bê việc nước, bị Dương Tam Kha đuổi sang vùng Hải Dương và nuôi Ngô Xương Văn để sau này nối nghiệp cha.

Ngô Xương Văn sau này nhân đi dẹp loạn đã quay về đánh úp cậu Dương Tam Kha và lên làm vua. Nhưng xét tình máu mủ ruột thịt, cậu lại vẫn nuôi mình và cũng không có ý định giành thiên hạ với nhà Ngô nên Ngô Xương Văn để cậu đi lấy dân lập ấp, xa chính quyền Trung ương.



Đền Chương Dương

Đến vùng đầm lầy ven sông Hồng không có người ở, Dương Tam Kha đưa người từ Thanh Hóa ra, chủ yếu là người làng Chương Xá quê ông. Sau đó, ông lấy họ Dương và lấy tên đầu của làng Chương Xá đặt cho đất mới là Chương Dương.

Dương Tam Kha mất, người dân tôn thành hoàng làng và xây đình thờ thành hoàng. Đình tồn tại cho đến khi Thượng tướng Trần Quang Khải cùng các tướng sĩ đánh bại quân Nguyên Mông trên bến sông này.

Sau chiến thắng Chương Dương, nhân dân nức lòng suy tôn vị anh hùng dân tộc, đình Chương Dương thờ thần hoàng làng năm xưa được người dân lập thành đền thờ vị anh hùng có công dẹp giặc cứu nước. Thế mới thấy chiến công lẫy lừng đã đưa Chương Dương đi vào sử xanh, và đình làng cũng trở thành đền thờ các danh tướng có công đánh giặc.

Theo trí nhớ của thủ từ Đào Duy Khải và các cụ cao niên trong làng, trước đây ngôi đền uy nghi, đồ sộ, cột lim 2 người ôm. Đến năm 1946, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, du kích lấy một cột to trong đình đắp một ụ lớn có cột chìa ra, nhằm ngăn ô tô giặc Pháp. Nhưng quân Pháp tiến qua làng bằng xe tăng, chỉ đẩy một nhát đã băng qua ụ, ngày nay ụ đất vẫn ở ngay đê phía sau đền.



Nhánh còn lại của “Cây đa hoa gạo” năm xưa

Cây đa hoa gạo

Đền Chương Dương xưa nay nổi tiếng trong vùng có cây đa ra hoa gạo. Người già trong vùng vẫn thường ngâm câu lục bát: "Cây đa hoa gạo thắm tươi/ Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng/ Ngàn Thu lừng lẫy chiến công/ Quân thù quét sạch non sông vững bền".

Cây đa thì rõ rồi, vì khuôn viên đền Chương Dương vẫn còn đó uy nghiêm gốc đa cổ thụ. Nhưng sao cây đa có hoa gạo?

Câu chuyện không có gì là quá xa xôi, những người trung niên trong làng cũng đã từng được chứng kiến cảnh tượng này. Ai cũng kể về cây đa ôm lấy thân cây gạo trải rộng cả mẫu đất. Chỉ riêng vòng quanh gốc gạo, hai chục người nối tay không kín.

Tương truyền, cây gạo và cây đa có từ thời làm đình để thờ thành hoàng làng. Khi khánh thành đình, bô lão trong làng cho chặt một cành đa, một cành gạo. Một cành để treo chiêng, một cành treo trống. Đình làm xong thì trời mưa, cành đa và cành gạo cắm cạnh nhau đâm rễ mà sinh sôi phát triển. Thời gian trôi qua, rễ cây đa ôm trùm lấy thân gạo, nếu đứng ở dưới gốc mà ngước lên thì không nhìn thấy cây gạo đâu cả.

Thủ từ Đào Duy Khải cũng kể: “Thời chúng tôi đi học trường cấp 3 Thường Tín cách đền 8 cây số. Mỗi khi về nhà, ra đường cứ nhắm cây đa hoa gạo làng mình mà đi nhanh về nhà để được bữa cơm khoai. Người làng này, ai cũng tự hào về cây đa hoa gạo rợp cả một vùng đất”.

Sau khi hòa bình lập lại, chính quyền xã chủ trương chặt gốc đa làm bàn ghế cho học sinh. Thân đa có 3 gốc, khi xã cho người chặt hết hai thân đa đầu và cuối, chuẩn bị chặt chặt thân ở giữa thì tỉnh đội Hà Tây điện về cho huyện đội, huyện đội cử người can thiệp không cho xã chặt tiếp. Cán bộ Huyện đội giải thích rõ, vì cây đa là cây cao nhất vùng, là vật chuẩn của không quân ta trước khi về sân bay Gia Lâm nên tỉnh đội yêu cầu không được chặt hạ. Nhờ thế, thân đa nhỏ nhất hiện nay vẫn còn trong đền.
Dân làng Chương Dương còn tiếc mãi, cách đây khoảng 20 năm nhiều cây gạo trong làng chết hàng loạt, cây gạo trong thân đa cũng khô héo dần rồi chết hẳn.

Hiện nay, cạnh đền vẫn còn bộ rễ đa hình dáng ôm lấy một thân gạo, thực ra đây chỉ là nhánh đa nhỏ, rễ phụ đâm xuống. Thế mới biết, “cây đa hoa gạo” ở đền Chương Dương xưa kia đại thụ đến thế nào.



Nếu không có tấm biển nhỏ này, ít ai biết được phía ngoài đê là bến Chương Dương

Về bến Chương Dương

Rời ngôi đền nhỏ, chúng tôi ra bến Chương Dương cách đó vài trăm mét. Đây là một bến đò nhỏ như rất nhiều bến đò khác dọc đê hữu sông Hồng. Nếu không có một tấm biển nhỏ kiểu biển hướng dẫn giao thông thì không ai có thể biết được đây là bến sông lịch sử năm xưa. Từ con đê, một con đường bê tông sà xuống mép sông, làm nơi người xe đi xuống bến. Bến đò khuất lấp giữa những rặng tre và sau những ụ cát lớn, nơi tập kết của những thuyền “hút cát”.

Đều đặn 30 phút, bến đò huyên náo trong chốc lát khi những chuyến phà cập bến đưa đón khách sang sông. Chếch phía bên kia, tả ngạn sông Hồng, cạnh xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên chính là xã Hàm Tử, nơi cùng ghi dấu chiến công oanh lệt năm xưa.

Năm 1285, đại quân do tướng giặc Thoát Hoan dẫn đầu đóng ở Thăng Long, chiến thuyền giặc đóng ở bến Chương Dương. Chúng ở Thăng Long nhưng lòng khiếp nhược vì trúng kế bỏ Thăng Long, thực hiện “vườn không nhà trống” của vua tôi nhà Trần. Tướng giặc Toa Đô muốn đưa đạo quân tiến vào Thăng Long hội quân cùng Thoát Hoan nhưng bị quân ta chặn ở cửa Hàm Tử đánh cho tan tác khiến quân của Toa Đô phải rút chạy ra cửa biển. Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản cùng các tướng khác được lệnh đem quân đánh Chương Dương và thành Thăng Long.

Quân ta bí mật đánh úp, áp sát thủy trại giặc. Bị bất ngờ, quân giặc đạp lên nhau mà chạy lên bờ để trốn về thành Thăng Long. Quân ta truy sát địch tới sát chân thành. Thoát Hoan vội đem đại quân ra nghênh chiến, quân ta giả vờ thua chạy, địch đuổi theo liền bị phục binh của Trần Quang Khải đổ ra đánh, quân Nguyên phải bỏ thành Thăng Long chạy qua sông Hồng, lên vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Chiến thắng Chương Dương lừng lẫy là bàn đạp để ta truy kích địch, quét sạch hơn 50 vạn quân thù ra khỏi quê hương.

Chiến công long trời lở đất đã được Trần Quang Khải ghi lại ngày trở về Thăng Long: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn Thu”.



Bến đò Chương Dương với chiếc phà nằm im chờ khách

Đến Chương Dương mới thấy, người dân Chương Dương ngày nay từ già tới trẻ vẫn tự hào trận đánh xưa. Cách đây hơn chục năm, khi khai thông dòng chảy bãi nước phía trước đền Chương Dương, gần bến đò, người dân đã đào được rất nhiều hài cốt. Người ta nhận thấy nhiều chỗ có 2 hộp sọ người mà chỉ có một bộ xương, và đoán đây là hài cốt các chiến binh xưa. Những hài cốt này đều được chôn cất cẩn thận.

Bến Chương Dương xưa vẫn còn đây, những dấu tích xưa vẫn còn đây. Cứ ngày 10/8 hàng năm là làng mở hội, thanh niên trai tráng trong làng lại được chọn đua thuyền rồng, cuộc đua như nhắc lại trận đánh Chương Dương.

Bến Chương Dương, tượng Trần Quang Khải: bao giờ?

Cách đây 3 năm, Bộ VH,TT&DL đã có chủ trương đầu tư quần thể di tích bến Chương Dương với tổng mức kinh phí 57 tỷ đồng, đã có văn bản về tới huyện. Trong đó có các hạng mục: tu bổ xây dựng lại đền, tạc bức tượng Trần Quang Khải cao khoảng 13 mét bằng đá xanh nguyên khối, tiến hành khai thông dòng sông vào trước cửa đền làm một âu thuyền phía dưới để thuyền có thể từ sông Hồng vào được.

Đã 3 năm trôi qua, người dân mong mỏi từng ngày, nhưng bến Chương Dương vẫn cứ đìu hiu vắng, như bao năm vẫn thế. Gần bến sông là ngôi đền cũ chứa đựng một quá khứ huy hoàng.

Kỳ 4: Về bến sông Thương tìm thành Xương Giang

Mạnh Cường - Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link